Giá dầu thế giới giảm, giá xăng trong nước có giảm theo?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 03/11/2021 18:30 PM (GMT+7)
Những ngày qua, giá dầu thế giới ghi nhận mức giảm mạnh. Tuy nhiên, theo nhận định từ phía chuyên gia, mức giảm này ẩn chứa yếu tố không bền vững và giá xăng trong nước chưa thể dự đoán có giảm hay không?
Bình luận 0

Trong phiên sáng 3/11 (giờ Việt Nam), giá dầu quay đầu giảm mạnh sau khi giữ ổn định ở mức gần 85 USD/thùng vào thứ Ba. Cụ thể, dầu WTI giảm 1,25 USD/thùng tương ứng 1,49% xuống mức 82,66 USD/thùng; Dầu Brent giảm 0,92 USD/thùng tương ứng 1,09% xuống mức 83,80 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu Brent đã giảm sau khi tăng hơn 60% vào năm 2021, chạm mức cao nhất trong ba năm là 86,70 USD vào tuần trước khi nhu cầu phục hồi và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (OPEC +) giảm bớt mức cắt giảm sản lượng kỷ lục một cách từ từ.

Các nước tiêu thụ đã và đang gây áp lực buộc OPEC+ phải tăng thêm sản lượng hơn mức hiện tại để hạ nhiệt thị trường. Nhưng tại cuộc họp dự kiến diễn ra hôm 4/11, liên minh các nhà sản xuất lớn dự kiến sẽ bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng mỗi ngày.

Giá dầu thế giới giảm, giá xăng trong nước có giảm theo? - Ảnh 1.

Giá xăng trong nước có "hạ nhiệt" ở kỳ điều chỉnh tiếp theo? (Ảnh: Thanh Phong)

Tuy nhiên, phiên giao dịch hôm nay, giá dầu giảm mạnh do dự báo tồn kho ở mức cao. Trong một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà phân tích dự đoán dự báo tồn kho dầu thô hàng tuần của Mỹ sẽ cho thấy mức tăng 1,6 triệu thùng. Viện Dầu mỏ Mỹ sẽ công bố báo cáo đầu tiên trong số hai báo cáo về nguồn cung của tuần này.

Nhận định về diễn biến trên của thị trường xăng dầu thế giới, trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, mức giảm giá nêu trên ẩn chứa yếu tố không bền vững. Do đó, khó có thể dự đoán giá xăng của Việt Nam sẽ tăng hay giảm trong kỳ điều chỉnh sắp tới.

"Mùa đông sắp tới, nhu cầu về chất đốt phục vụ sưởi ấm, di chuyển sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu dùng về xăng dầu cũng sẽ tăng. Mặc dù có việc xả tồn kho và Nga cùng một số nước trong khối liên minh cũng kêu gọi tăng khai thác nhưng tôi đánh giá không thể tác động nhiều như những khối Tây Á, Ả Rập,…", ông Phú đánh giá.

Cùng với đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, tại Việt Nam, vấn đề cốt lõi trong điều hành giá xăng là cần giảm thuế phí.

"Hiện tại, nhiều ý kiến đang kêu gọi cắt giảm các khoản thuế phí chiếm tới 44% giá xăng dầu. Nếu không có cách tính toán giá xăng dầu cho phù hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại một số tỉnh ven biển đã xuất hiện tình trạng tàu cá không dám ra khơi. Nguyên nhân là do giá xăng dầu liên tục tăng, nếu ra khơi đánh bắt cá sẽ bị lỗ. Như vậy, tình trạng thiếu hụt một loại thực phẩm có thể xảy ra, kéo theo đó, nhiều vấn đề mang tính dây chuyền như lao động thiếu việc làm,…

Do đó, để có thể điều hành giá hiệu quả, bên cạnh việc tính toán giảm thuế, phí, chúng ta cần hướng tới việc chuẩn bị tốt vấn đề dự trữ xăng dầu mỗi khi giá giảm. Hiện tại, chúng ta đã bị phụ thuộc quá nhiều về xăng dầu thế giới. Điều này sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, dịch Covid-19 đã phần nào được kiểm soát", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Hiện tại, giá bán xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo mức điều chỉnh từ 16h chiều 26/10. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng/lít; Xăng RON 95-III tăng 1.459 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 1.171 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.015 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 113 đồng/kg.

Như vậy, xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.110 đồng/lít, xăng RON 95-III không cao hơn 24.338 đồng/lít, dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.716 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 17.637 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.210 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem