Giá điện và sự thiếu công bằng!

Phương Hà Thứ bảy, ngày 07/03/2015 09:23 AM (GMT+7)
Mặc dù được các chuyên gia cảnh báo mức tăng giá điện trong khuôn khổ từ 7-10% là quá cao với lo ngại sẽ xóa tan những thành quả của quá trình kiềm chế lạm phát trước đó, nhưng cuối cùng giá điện vẫn được Chính phủ quyết định cho tăng thêm 7,5% từ ngày 16.3.
Bình luận 0

Ai cũng biết giá điện tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế và từng hộ gia đình. Nếu như việc xăng dầu tăng giá chỉ ảnh hưởng một phần tới ngân sách hộ gia đình thì giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều bởi mỗi người tiêu dùng từ nhỏ đến lớn đều trực tiếp tiêu dùng điện.

Nghiêm trọng hơn, đối với các ngành sản xuất việc giá điện tăng tới 7,5% chắc chắn sẽ làm tăng ngay lập tức chi phí đầu vào của hàng hóa, đánh thẳng vào ngân sách của doanh nghiệp một cách “ấn tượng”.

Lâu nay trên các phương tiện thông tin lãnh đạo ngành điện đưa ra lý do cho việc đề xuất tăng giá điện là “khó thu hút đầu tư nếu để giá điện không phù hợp”. Lý do này dù được nhiều tổ chức nước ngoài như World Bank, Eurocham… đồng tình nhưng là sự ủng hộ đem lại sự hưởng lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chứ không phải quan điểm đứng ở góc độ cho người dân.

Còn việc giá điện thế nào mới là phù hợp thì ngành điện lại chưa thể làm rõ một cách công khai, minh bạch cho người tiêu dùng và toàn xã hội biết. Việc tăng giá điện nếu chỉ là để thu hút đầu tư vào ngành điện nói chung và các ngành kinh tế khác nói riêng, trong khi ngành điện không thể minh bạch, công khi cách tính giá điện thì liệu có công bằng hay không khi mà giá điện mà toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp phải trả chỉ là mức giá “hợp lý” dưới sự tính toán của người bán (EVN) chứ không phải của người mua (người dùng điện).

Được biết, yêu cầu công khai trong cách tính giá điện dù đã được giới chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng đòi hỏi cách đây không dưới 10 năm nhưng đến nay câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ (!).

Chính vì sự chưa minh bạch của ngành điện nên dư luận càng băn khoăn với lý giải của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khi ông này phân tích, “giá điện tăng thì Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi”.

Rõ ràng việc tăng giá điện là tất yếu bởi phải theo lộ trình đã “cài đặt” sẵn. Tuy nhiên, việc tăng giá cao không đi kèm với sự minh bạch về giá thành, các chỉ số kinh doanh của ngành điện rõ ràng đang đặt ngành điện vào một thế bất lợi.

Năm 2015 được đánh giá là năm với nhiều thách thức từ quá trình hội nhập sâu. Cộng đồng doanh nghiệp hơn bao giờ hết đang rất cần sự tiếp sức, hỗ trợ từ nhiều phía để tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm nâng sức cạnh tranh. Việc giá điện tăng với mức cao đã được các chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Và không chỉ có thế, nó khiến niềm tin về cơ chế thị trường rõ ràng, minh bạch sẽ được đặt trong sự thử thách cao hơn và mất nhiều thời gian hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem