“Ngành điện xây dựng giá chỉ tính phần lợi về mình”

Mai Hương (Thực hiện) Thứ hai, ngày 21/09/2015 17:41 PM (GMT+7)
“Chúng ta vẫn cần có một biểu giá điện bậc thang lũy tiến nhưng phải theo hướng lũy tiến để sử dụng điện tiết kiệm. Mức hệ số giữa các bậc (giá ở mỗi bậc) phải hài hòa và thấp chứ không thể cao như mức hiện nay…”.
Bình luận 0

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã nói như vậy khi ông trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN về 3 phương án biểu giá điện mới mà EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) vừa đưa ra lấy ý kiến người dân, chuyên gia.

Thưa ông, biểu giá điện lũy tiến 6 bậc hiện nay với triết lý dùng càng nhiều thì phải trả nhiều tiền đã bị người dân phản ứng. Nhưng với phương án một giá điện mà EVN đưa ra, người dùng nhiều điện không bị tính giá cao lên và được lợi thì lại chưa được các chuyên gia ủng hộ, tại sao vậy?

img

Công nhân điện lực theo dõi chỉ số sử dụng điện tại phố Yên Thái, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.         Ảnh:   LHT

- Trước hết phải nói, điện ở ta đang được sản xuất từ những nguyên nhiên liệu không tái tạo được vì vậy khi sử dụng, người dân cần phải tiết kiệm để tránh lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nguồn cung điện của nước ta chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng nên không được khuyến khích dùng nhiều và phải tiết chế thông qua giá. Bên cạnh đó, điện lại là ngành độc quyền nên giá bán điện bình quân phải do nhà nước quyết định mà cụ thể là Thủ tướng quyết định. Sau đó, doanh nghiệp mới dựa vào đó để xây dựng biểu giá phù hợp. Biểu giá điện mà EVN đưa ra mới chỉ là điều chỉnh ở giá điện sinh hoạt (chiếm 11% sản lượng điện tiêu thụ). Từ phân tích này mới cho thấy, giá điện nào là hợp lý và biểu giá điện nào là hợp lý.

Chiếu theo những phân tích trên, biểu giá điện một giá là không tiết kiệm. Cung điện không đủ cầu mà giá điện khiến người sử dụng điện có thể sử dụng thoải mái thì “chết” vì dẫn tới thiếu điện. Giá điện 1 bậc cũng làm cho người dùng nhiều điện trả tiền như người dùng ít điện thì sẽ ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội. Tiền điện một giá cao sẽ đánh vào người nghèo như vậy là không phù hợp. Chưa kể, đưa ra mức đồng giá 1.747 đồng/kWh đồng nghĩa với việc EVN không  giảm thu, thậm chí tăng thu vì giá này tăng 7,7% so với giá điện hiện tại là không ổn…

Vậy với biểu giá điện lũy tiến 6 bậc hiện nay, dùng nhiều điện phải trả nhiều tiền tại sao vẫn bị cho là không  phù hợp và phải cải tiến lại, thưa ông?

- Biểu giá điện 6 bậc lũy tiến hiện nay không phù hợp ở chỗ giá điện ở mỗi bậc quá cao. Ví dụ giá điện ở bậc 3 mới dùng từ 101 số điện đã có giá lên tới 1.786 đồng/kWh, trong khi giá điện bình quân chỉ là 1.622 đồng/kWh, như vậy giá điện này đã tăng tới hơn 10% so với giá điện bình quân. Tương tự bậc 4 của biểu giá này, giá điện được tính từ 201 số điện là 2.242 đồng/kWh, tăng tới 38% so với giá bán điện bình quân được duyệt. Và giá cho bậc 5, bậc 6 còn “khủng” hơn nữa, lên tới 2.503 và gần 2.600 đồng/kWh. Chính vì giá áp cho mỗi bậc thang quá cao nên người dân mới phải trả tiền điện quá lớn và phản ứng như thời gian qua.

Với biểu giá điện chỉ từ 3-4 bậc lũy tiến mà EVN đưa ra lấy ý kiên thì những bất hợp lý như ông nói về hệ số giá điện ở mỗi bậc có được cải thiện không, thưa ông?

- Tôi cho rằng rút 6 bậc thang xuống 3 bậc mà mỗi bậc khoảng cách quá xa, chênh lệch với giá bình quân quá lớn thì vẫn thiệt hại cho người tiêu dùng. Cụ thể, khi chuyển thang giá điện xuống 3 bậc, thì người ở bậc 3 trước đây (bậc 3 trong số 6 bậc) vẫn sẽ ở bậc 3, tức bậc cao nhất. Với nhóm khách hàng này, hóa đơn điện sẽ tăng vì họ phải thanh toán giá điện cao nhất. Với phương án 3 bậc mà EVN đưa ra lấy ý kiên với nhu cầu sử dụng điện hiện nay là hơi thô. Nếu bậc điều khiển càng ít thì bước nhảy càng cao. Như vậy tác động điều khiển nhu cầu tiêu dùng bằng cơ chế bậc thang xấu hơn là giữ nhiều bậc, ví dụ 5 hay 6 bậc.

Thêm nữa, giá điện được tính làm giá cơ sở (1.747 đồng/kWh) chưa hợp lý bởi hiện nay giá điện phải do Chính phủ quyết định. Do vậy, nếu lấy mức giá này để tính theo biểu lũy tiến là không được. Giá này lại cao hơn tới 7,7% so với con giá điện bình quân hiện tại là 1.622 đồng/kWh.

Theo ông, biểu giá điện phải cải tiến như thế nào mới là hợp lý?

img
"Giá điện mỗi bậc thang phải thấp mới là “cải tiến”. Tôi cho 3 phương án biểu giá điện của EVN hiện nay đều có ít nhiều bất cập và phải được tính toán lại cho phù hợp, đặc biệt là giá điện áp cho mỗi loại biểu giá. Qua đây, tôi vẫn thấy, ngành điện xây dựng phương án biểu giá điện vẫn đang tính lợi cho mình nhiều hơn là cho xã hội”.
Ông Ngô Trí Long    

- Giá điện mỗi bậc thang phải thấp mới là “cải tiến”. Tôi cho 3 phương án biểu giá điện của EVN hiện nay đều có ít nhiều bất cập và phải được tính toán lại cho phù hợp, đặc biệt là giá điện áp cho mỗi loại biểu giá. Qua đây, tôi vẫn thấy, ngành điện xây dựng phương án biểu giá điện vẫn đang tính lợi cho mình nhiều hơn là cho xã hội.

Mức hệ số giữa các bậc phải hài hòa chứ không thể cao hơn mức hiện nay. Bậc thang người dân hay sử dụng (từ 101-300 kWh) phải có hệ số vừa phải. Chỉ khi hệ số từng bậc gần sát với giá bình quân thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi, nếu hệ số các bậc xa giá bình quân thì chỉ ngành điện hưởng lợi.

Trên cơ cơ này, tôi cho rằng, cần phải tính trên phương án càng chia nhỏ càng tốt, 5 hoặc 6 bậc thang là hợp lý nhưng hệ số từng bậc phải thấp hơn hiện nay. Hệ số của từng bậc phải phù hợp so với giá điện bình quân. Hiện nay, với mức giá điện bình quân là 1.622 đồng/kWh, bậc 1 và 2 thấp hơn 8,5% và 5%. Tuy nhiên, bậc 3 cao hơn 10%, bậc 4 lên đến 38%, bậc 5 (54%) và bậc 6 là 59% là bất hợp lý, là quá cao. Khoảng người dân dùng phổ biến nhất là bậc 3, bậc 4 (từ 100-300kWh/tháng) lại có hệ số quá cao gây bức xúc. Và giá điện ở mỗi bậc quá cao này làm lợi cho EVN khi tổng doanh thu tính theo lũy tiến của EVN lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân.

Tôi còn nhớ ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã phát ngôn trên báo chí rằng: Với giá bán điện bình quân như hiện nay thì EVN đã có lãi nên giá lũy tiến cao hơn giá điện bình quân nhiều như vậy chắc chắn người tiêu dùng điện quá bị thiệt thòi.

Áp dụng biểu giá lũy tiến thì phải làm sao cho bậc người nghèo thường sử dụng được giảm giá để hỗ trợ, bậc người dân dùng phổ biến nhất nên có hệ số vừa phải thay vì tăng lên đến 38% như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!                 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem