Gia đình nạn nhân "án oan 10 năm" tủi phận khi xuân về

Thứ tư, ngày 22/01/2014 19:25 PM (GMT+7)
Vợ ông Hoàng Thanh Chấn bảo: “Gần Tết lên Hà Nội thấy người ta mua sắm nhiều mà tủi quá!”. Hai ông bà mang theo bọc bánh mì rất to, ở trong một căn nhà trọ bé tí xíu ở mãi ngoại thành...
Bình luận 0
Mặc dù đã hơn hai tháng sau khi được trả tự do về từ trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc), nhưng ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa thực sự bắt đầu một cuộc sống bình thường. Cái Tết đang đến gần càng làm cho tâm trạng của vợ chồng ông rối bời.

Rớt nước mắt thương cô con gái phiêu bạt 10 năm

Sáng thứ Bảy một ngày cuối năm, ông Chấn thông báo ông đang ở Hà Nội, đang được bên viện (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao - PV) “tài trợ” xuống Hà Nội một tuần nay. Những việc liên quan đến cơ quan nhà nước, ông Chấn không muốn chia sẻ nhiều, nhưng ông muốn gặp nhà báo để khoe một chuyện…

Những trang nhật ký đẫm nước mắt của con gái ông Chấn
Những trang nhật ký đẫm nước mắt của con gái ông Chấn.

Người viết phải đi rất xa ra một nhà trọ ở ngoại thành mới gặp được vợ chồng ông Chấn. Vẻ ngoài đã có phần nhanh nhẹn, rắn rỏi hơn nhiều sau gần ba tháng trở lại cuộc sống tự do, nhưng ông Chấn than mình vẫn thường xuyên đau đầu, nhiều lần phải vào Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang khám bệnh, mua thuốc. Bà Chiến, vợ ông, bảo ông vẫn thường xuyên nằm mơ thấy những ngày tù tội, đêm vẫn nằm mơ, hò hét những chuyện tranh nhau chỗ nằm, tranh nhau nước uống như hồi còn trong trại… Mười năm đi tù oan rõ ràng đã để lại những ám ảnh không dễ gì xóa mờ trong ký ức người đàn ông này.

Chuyện mà ông Chấn muốn khoe là cuốn nhật ký của con gái mà ông mới tìm được. Ông bảo: “Con gái tôi dự đoán được ngày tôi sẽ được minh oan”.

Ông đưa cho phóng viên xem một cuốn nhật ký với chữ viết nắn nót của đứa con gái thứ hai, tên Nguyễn Thị Quyền (SN 1984). Những dòng nhật ký ghi từ Tết năm 2005, cách đây gần 10 năm. Đó là cái Tết thứ hai phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn chấp hành án tù “chung thân” trong trại giam.

Những nét chữ học trò nắn nót, cô bé phải nghỉ học giữa chừng vì bố mình vướng vào vòng lao lý tâm sự: “Vậy là bố đã xa nhà, xa gia đình, xa quê hương, xa chúng con bao nhiêu giờ bố biết không? 1 năm 10 tháng rồi bố ạ. Thế mà con cảm thấy dài đằng đẵng như mấy năm rồi ấy”.

Tết đến, gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn càng tủi phận
Tết đến, gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn càng tủi phận.

Những lời văn mộc mạc nhưng chứa đầy những tình cảm chân thành của cô con gái khiến người làm cha, làm mẹ vẫn nghẹn ngào khi đọc lại: “Bố ạ, bố biết vì sao con có cuốn sổ này không? Vì con buồn quá, đau khổ không biết tâm sự với ai, than thở cùng ai. Nên con cần có nó để ngày ngày con được nói chuyện về bố của con”.

Quyền có một niềm tin sắt đá và có một dự cảm kỳ lạ về chuyện cha mình sẽ được minh oan. Trong cuốn nhật ký của mình, Quyền đã viết: “Bố ơi, con tin bố, không bao giờ bố làm được chuyện đó. Con tin đó là trực giác của con…”. Quyền như đã “dự đoán” trước được bố mình sẽ có ngày trở về. Trong cuốn nhật ký của mình, cô đã dự đoán: “Đã đủ 10 lần đưa đi lại từ khi rời xa quê hương. Một lần đưa nữa là bố về nhà đó. Con cảm nhận là vậy. Tâm linh của con cảm nhận bao giờ cũng thành sự thật. Bố cứ chờ đấy mà xem…”.

Cô gái ấy cứ đinh ninh một điều: “Sẽ có ngày pháp luật tìm sự công bằng tự do về cho bố”. Niềm tin ấy quả thật đã dần trở thành hiện thực. Nhưng gần 10 năm đã trôi qua từ sau vụ án oan, tuổi xuân của cô gái Nguyễn Thị Quyền là những ngày tháng làm công nhân cực nhọc ở khu công nghiệp gần nhà, rồi những ngày tha phương cầu thực ở xứ người làm ôsin. Đến giờ, khi cha đã được tự do trở về như cô mong ước, cô vẫn mải miết làm lụng ở Đài Loan. Việc gặp mặt người cha vẫn chưa trở thành hiện thực, vẫn chỉ là những cuộc trò chuyện qua điện thoại, những bức hình trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đọc nhật ký của con, ông Chiến nhiều lần phải dừng lại lau nước mắt, nhất là những đoạn con gái nhắn thầm bố: “Bố không làm việc gì thì đừng nhận nhé”.

Bà Chiến quẹt ngang nước mắt tâm sự: “Ngày đó Quyền nó học khá, nếu mà bố không phải đi tù thì nó cũng được học hành đến nơi đến chốn. Cả hai đứa con lớn đều phải bỏ học giữa chừng. Cái Quyền thì phải đi làm ăn xa, nó còn bảo nếu bố không được minh oan thì nó sẽ đi làm ôsin suốt đời để lấy tiền thăm nuôi bố”.

Bao giờ hết cuộc sống của một “nạn nhân”?

Trở lại câu chuyện lên Hà Nội “phục vụ công tác điều tra”, vợ ông Chấn bảo: “Gần Tết lên Hà Nội thấy người ta mua sắm nhiều mà tủi quá!”. Hai ông bà mang theo bọc bánh mì rất to, ở trong một căn nhà trọ bé tí xíu ở mãi ngoại thành.

Báo chí, các cơ quan chức năng dường như cũng đã qua thời gian rầm rộ “quan tâm” đến gia đình ông Chấn. Bà Nguyễn Thị Hải, một người họ hàng vẫn đi theo bà Chiến hỗ trợ suốt quá trình kêu oan cho chồng, bày tỏ sự bức xúc: “Tôi đọc thấy trên báo Bắc Giang là Ủy ban Nhân dân huyện Việt Yên hứa sẽ quan tâm, hỗ trợ gia đình chú Chấn xây lại cái nhà. Đã hai tháng nay mà vẫn không thấy gì. Nhà cửa vẫn dột nát như cũ, con gái vẫn lang bạt ở Đài Loan chưa về…”.

Tết sắp đến, Tết năm nay gia đình ông Chấn được đoàn tụ sau bao nhiêu năm ly tán. Nhưng những giọt nước mắt vẫn rơi thật nhiều. Hỏi ông Chấn về những dự định cho tương lai, ông thật thà: “Tôi bây giờ già thì cũng chưa già, nhưng trẻ thì cũng không còn trẻ nữa. Làm gì còn sức để đi đánh xe bò như ngày xưa. Chắc là ở nhà quanh quẩn trông cháu, có mấy sào ruộng, sào vườn thì làm…”.

Một điều lo lắng của ông Chấn là… sợ bị trả thù. Ông thấp giọng tâm sự rằng Tết này vẫn chẳng dám đi đâu ra xa khỏi nhà, bởi vì còn gia đình của các điều tra viên trong vụ án mười năm trước. Biết rằng những lo lắng của ông Chấn là viển vông, nhưng vẫn thoáng chút xót xa cho một con người đã gặp quá nhiều biến cố trong cuộc đời đến nỗi niềm tin vào công lý trở nên thật mong manh.
Đời sống & Pháp luật (Theo Đời sống & Pháp luật)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem