Đây là phát hiện trong nghiên cứu ban đầu về “đời sống gia đình Việt Nam trong bối cảnh biến động giá lương thực” của nhóm nghiên cứu do Oxfam và DFID tài trợ được trao đổi ngày 31.1.
|
Người nghèo đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. |
Càng nghèo càng hay gặp rủi do
Theo điều tra Tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình Việt Nam (VARHS) tại 12 tỉnh với hơn 2.200 hộ cho thấy, năm 2010, 18,5% số hộ nghèo chịu rủi ro vì thiên tai; 22,2% có thành viên trong hộ bị ốm nặng, bị thương và qua đời, 3,7% chịu ảnh hưởng cúm gia cầm, 18,5% chịu các rủi ro khác. Các con số này đều cao hơn so với nhóm hộ giàu và trung bình; chỉ “thua” rủi ro bị cướp và mất cắp (!).
Ngoài ra, so giữa các năm 2006, 2008 và 2010 cũng cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình gặp các cú sốc khác nhau tăng lên. Năm 2006 chỉ có 3,3% số hộ gặp cú sốc kinh tế, 29,8% gặp cú sốc thiên tai, 36,2% gặp bệnh dịch vật nuôi, cây trồng; nhưng đến năm 2008 lần lượt là 25%, 44,7%, 44,7%; đến năm 2010 là 13,7%, 58%, 47,4%. Riêng về vấn đề ốm đau, năm 2006 có 42,7% số hộ có người ốm, năm 2008 giảm mạnh còn 18,2%, nhưng năm 2010 lại tăng lên 21,5%. Tỷ lệ rủi ro của các hộ nghèo ở Nghệ An do Tổ chức Oxfam tìm hiểu năm 2012 còn cao hơn rất nhiều: Tỷ lệ hộ nghèo gặp các rủi ro về kinh tế là gần 85%, thiên tai 85%, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi là 54%, thất nghiệp 30% và sức khỏe gần 70%. Còn ở hộ không nghèo, tỷ lệ này ít hơn nhiều, với số hộ gặp rủi ro kinh tế là 52%, thiên tai 64%, sức khỏe 56%.
Một phát hiện trong nghiên cứu là đa số người dân cả khu vực thành thị và nông thôn đều không muốn hoặc không chấp nhận phương án con em họ có thể trở thành nông dân hoặc làm nghề nông vì những lý do cơ bản như không có tư liệu sản xuất và hệ thống hỗ trợ, lợi nhuận thấp, vất vả.
Ông Trần Công Thắng – chuyên viên Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, có thể thấy một bức tranh khá toàn cảnh: Hộ gia đình Việt Nam càng ngày càng phải hứng chịu nhiều cú sốc do thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, thất nghiệp. Đồng thời, càng hộ nghèo càng dễ rơi vào khủng hoảng, dễ gặp rủi ro khiến kinh tế đã nghèo càng khốn đốn. Nhưng nghiên cứu trước đó có kết quả khá trùng hợp với nghiên cứu định tính về hộ gia đình trong bối cảnh biến động giá lương thực mà nhóm nghiên cứu của ông Thắng đang thực hiện trên 51 hộ gia đình tại một số xã, phường nghèo của Hà Nội, Nghệ An và An Giang.
Chất lượng cuộc sống giảm sút
Sau khi phỏng vấn sâu, ghi nhật ký lại đời sống của 51 hộ gia đình trong thời gian năm 2012, nhóm nghiên cứu của ông Thắng chỉ ra: Khi giá cả tăng mà thu nhập gia đình không giảm, nhiều người đã vận dụng nhiều hình thức để ứng phó như cắt giảm chi tiêu, dùng lại đồ thừa, đồ cũ, mua đồ kém chất lượng, giá rẻ. Bữa ăn gia đình của 51 hộ này cũng chủ yếu là đậu phụ và rau (tự trồng), một số hộ nghèo ở thành phố chấp nhận mua thịt cá ôi thiu, kém chất lượng nhưng giá rẻ để gia đình có tí thịt cá... Có hộ chi tiêu mỗi ngày khoảng 20.000 đồng, nhưng có hộ chỉ khoảng 5.000-7.000 đồng/ngày (200.000 đồng/tháng). Nếu nhà nào có người ốm thì vay tiền từ người quen hoặc chờ đợi các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài của chính quyền, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm chứ ít người dám vay tiền ngân hàng. Hầu hết những người dân khi gặp rủi ro thì tài sản duy nhất mà họ thường đem ra bán là lúa non. Vì thế, đến khi qua được rủi ro này lại rơi vào rủi ro khác do đói kém, hết cả tiền lẫn lương thực.
Khi gặp rủi ro, các hộ gia đình cũng cố gắng đi làm thuê, làm việc vặt, tăng nuôi trồng nông sản, thu nhặt phế liệu hoặc đi làm giúp việc… Tuy nhiên, số tiền họ kiếm được không đáng là bao do hạn chế về trình độ học vấn, kỹ năng tìm việc, sức khỏe.
Chính sách quá xa
Ông Trần Công Thắng phân tích, Nhà nước đã có nhiều cơ chế đối phó với rủi ro như ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, nhất là những hộ trồng lúa; nâng cao năng lực cho người dân như đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, khuyến nông, hỗ trợ giảm nghèo; đảm bảo bình ổn giá; giảm nhẹ rủi ro thông qua cơ chế bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ xã hội trực tiếp cho các đối tượng chính sách hay bị thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình của Nhà nước chưa cao. Mới chỉ có 39% người dân tiếp cận được tín dụng ưu đãi, 71% hỗ trợ chi phí khám bệnh, 40% hỗ trợ học phí, 3% hỗ trợ đào tạo, 20% hỗ trợ sản xuất nông nghiệp…
“Các chính sách hỗ trợ cần cụ thể và phù hợp với nhiều nhóm hộ gia đình khác nhau. Hộ có trình độ thì hỗ trợ đào tạo, tạo cơ hội cho họ tiếp cận với việc làm, hộ nghèo không có sức lao động nặng thì tạo việc làm tại chỗ, phù hợp...”.
Ông Trần Công Thắng
Chính sách bình ổn giá cũng không hướng tới nhóm người nghèo khi hàng hóa bình ổn trong siêu thị còn người dân đi chợ cóc, chợ tạm. Chính sách bảo hiểm nông nghiệp cũng triển khai chậm và khó nên số người dân có bảo hiểm nông nghiệp rất ít. Chính sách tạm trữ thu mua lương thực thì chỉ có lợi cho doanh nghiệp chứ người nông dân cũng không được lợi…
“Thực trạng lo ngại của các gia đình nghèo là hệ thống phúc lợi và hỗ trợ xã hội quốc gia hầu như không có tác dụng với các hộ trong những tình huống khó khăn khẩn cấp, mà chỉ có tác dụng với những hoàn cảnh khó khăn thường xuyên, và tác dụng này cũng hạn chế. Thay vào đó, mạng lưới gia đình, bè bạn và tín dụng không chính thống (cho vay nặng lãi) lại là tấm lưới hỗ trợ các gia đình vượt qua khó khăn lớn, bất thường” – ông Thắng nhận định.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.