Nhạc sĩ Trần Tiến suýt bị bắt khi tổ chức đêm nhạc mang tinh thần đổi mới?
Trần Tiến là nhạc sĩ hay khóc nhè nhất Việt Nam?
Tuệ Lâm
Thứ năm, ngày 14/11/2024 09:11 AM (GMT+7)
Nhạc sĩ Trần Tiến trông bên ngoài rất đàn ông, rất ngầu, rất lạc quan... nhưng kỳ thực lại là người rất dễ rơi nước mắt. Cứ mỗi khi hát 3 bài hát: "Mẹ tôi", "Chị tôi", "Quê nhà tôi ơi" là ông lại khóc như mưa, không ai dỗ được.
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhạc sĩ Trần Tiến là bạn thâm giao. Cả ba đều cầm tuổi Đinh Hợi và đều sinh ra lớn lên ở Hà Nội. Họ biết nhau từ hồi còn trẻ và trở thành những người bạn vong niên từ trẻ đến già. Vì lẽ đó mà họ biết rất nhiều chuyện đời, chuyện nghề của nhau. Cả những bí mật không bao giờ được bật mí.
Chia sẻ với Dân Việt, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng cho biết, bình thường, nhạc sĩ Trần Tiến là một người rất đàn ông và ngầu đét. Ông luôn xuất hiện với quần bò, áo phông đầy chữ. Thậm chí, đôi khi lại còn "điều điệu" thắt chiếc khăn của vợ quanh cổ cho thêm phần ấn tượng. Nhưng hễ cứ hát ba bài "Mẹ tôi", "Chị tôi", "Quê nhà tôi ơi" là lại khóc như mưa, không ai dỗ được.
"Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, Trần Tiến bao giờ cũng dặn: "Hùng yêu cầu bài gì Tiến cũng hát nhưng ba bài ấy thì không nhé. Sợ lắm, vì cứ hát là khóc, khóc nhè". Nhưng có lẽ tôi yêu Trần Tiến bạn mình nhất là những lúc Trần Tiến khóc nhè. Đó là lúc Trần Tiến là Trần Tiến nhất. Có một lần tôi chứng kiến Trần Tiến vừa hát vừa khóc nức nở bên bàn. Hai tay ôm mặt khóc, gục đầu vào bàn khóc… 77 tuổi, tôi lái xe xuyên Việt 5.000 cây số rẽ vào Vũng Tàu để được ngồi bên Trần Tiến, nghe Trần Tiến hát, rót biển vào ly, trêu đùa "dìm hàng" nhau như thời còn trẻ", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng nói.
Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, nhà của nhạc sĩ Trần Tiến ở Vũng Tàu rất rộng, sang và đẹp. Căn hộ rộng hơn 200 mét vuông, hai tầng thông nhau bài trí rất đẹp, nhìn vào biết ngay nhà nhạc sĩ. Ở vị trí trang trọng nhất phòng khách có cây đàn Piano 3 chân trắng muốt. Ngần ấy thôi đã là cả ước mơ của bao nhạc sĩ Việt Nam. Tầng dưới tiếp khách và sinh hoạt. Tầng trên là thiên đường sáng tạo của nam nhạc sĩ với một cây Piano nữa và nhiều đàn Guitar.
"Những năm 1990, Trần Tiến lập ra ban "Du ca đồng nội" với hai thành viên là nữ ca sĩ Hồng Ngọc sau thêm Quang Lý. Ban nhạc ấy đã đi hát rong xuyên Việt trên chiếc xe zeep mui trần với những ca khúc mà Trần Tiến sáng tác. Sàn diễn là các sân vận động, quảng trường, góc phố, góc đường… ấy thế mà được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nói: "Trần Tiến là một nhạc sĩ được trời sinh ra để làm du ca". Trần Tiến đi du ca kiếm tiền có phải cho mình, cho vợ con đâu mà để nuôi trường nhạc từ thiện dạy các cháu mồ côi đấy. Kẽo kẹt được 7 năm thì phải đóng cửa vì hết tiền. Năm 2000, Trần Tiến trở về với mái nhà xưa ở Vũng Tàu bên người vợ tào khang – cô giáo Bích Ngà xinh đẹp và hai "bình rượu mơ".
Những ngày bi đát nhất cuộc đời, phải chịu đựng 30 lần xạ trị, còn một tai điếc nốt (một tai bị điếc do sức ép bom hồi năm 1972) nhiều lúc tưởng như là xong. Thế mà đầu giường Trần Tiến bao giờ cũng có chiếc laptop. Trong khoảnh khắc sinh tử cận kề, Trần Tiến vớ lấy chiếc máy tính và ráng sức thu âm bài "Không gục ngã". Bài hát ra đời trên giường bệnh ấy đã kéo Trần Tiến dậy, kiên cường vượt qua lưỡi hái của tử thần", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng tiết lộ.
Nhạc sĩ Trần Tiến từng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cưu mang khi mới vào Sài Gòn
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể thêm rằng, năm 1987, nhạc sĩ Trần Tiến đón gió đổi mới bằng mấy đêm nhạc mang tên "Trần trụi 87". Đêm nhạc có những ca khúc mang tinh thần đổi mới như: "Trần trụi 87", "Ý nghĩ trong phòng hải quan", "Đồng hồ" bị quy tội kêu gọi bạo loạn. Công an chuẩn bị "sờ gáy" thì nhạc sĩ Trần Tiến nhanh chân... chạy thoát được ra Bắc.
"Sau cú kinh hoàng ấy, Trần Tiến tránh xa nhạc rock… cho nó lành. Như dòng sông cuối nguồn xuôi dòng hạ lưu êm ả ra khơi, Trần Tiến trở về với những ca khúc dòng nhạc Pop thấm đượm âm hưởng dân gian, dân tộc tuyệt vời. Nào là "Tiếng trống Paranưng", "Ngựa ô thương nhớ", "Giấc mơ Chapi", "Tùy hứng qua cầu", "Ngẫu hứng sông Hồng" rồi "Chuyện tình thảo nguyên", "Quê nhà", "Sao em nỡ vội lấy chồng"… Trần Tiến phiêu bạt vào tận Sài Gòn rồi cuối đời chọn Vũng Tàu làm nơi neo đậu và ở vùng đất biển này Trần Tiến đã rút ruột viết nốt phần đời còn lại dù đã có trên 600 ca khúc.
Những ngày mới chân ướt chân ráo phiêu bạt vào đất khách, Trần Tiến được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cưu mang. Cũng đã có lúc, giữa Sài Thành hoa lệ, Trần Tiến thành kẻ vạ vật ở công viên vì không nơi nương tựa. Giữa lúc khó khăn ấy, Tây Nguyên mời Trần Tiến lên sáng tác nhưng Trần Tiến lại dắt Nguyễn Cường đến giới thiệu rồi lộn về Sài Gòn. Nguyễn Cường xây tượng đài mình ở Tây Nguyên là nhờ công của Trần Tiến. Hai nhạc sĩ này là bạn thân nhất của nhau cũng vì lẽ đó.
Những năm 1989, tôi hay đi công tác Sài Gòn. Lần nào vào đến trụ sở báo Văn Nghệ 43 Đồng Khởi là tìm nhau ngay, thích gì ăn nấy, bia bọt vô tư. Hồi ấy, Trần Tiến còn đang khó khăn nên trước khi chia tay tôi thường rút xấp tiền mọn trong túi chia cho Trần Tiến một nửa. Lúc đói mới thấy tấm lòng của nhau".
Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, ở nhạc sĩ Trần Tiến có một thói quen mà ông rất ghét nhưng cũng rất yêu đó là mỗi khi ngồi trong bàn nhậu, nói là sẽ hát tặng bạn bè nhưng ông sẽ "luyên thuyên" đến hàng tiếng mới sực nhớ là chưa hát.
"Bữa nhậu trung tuần tháng 10 vừa qua tại nhà riêng của vợ chồng Trần Tiến ở 93 phố Trích (Hà Nội), Trần Tiến bị "cảnh sát trưởng" Bích Ngà (vợ) tuýt còi mấy lần vì cái tội toàn nói chuyện mà không chịu ăn. Nghe vợ nhắc nhở, Trần Tiến "Ừ, anh ăn đây" một cách rất nhẹ xong lại đâu vào đó. Nói vui thế thôi chứ không có vợ - cô giáo Bích Ngà hiền ngoan, đảm đang thì Trần Tiến không thể được bình thường khỏe mạnh như bây giờ. Trần Tiến yêu và nể vợ lắm!", Tiến sĩ Thế Hùng kể thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.