Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng chia sẻ với Dân Việt rằng, ông với nhạc sĩ Trần Tiến chơi với nhau từ thời còn thanh niên. Vì thế, giữa ông và nhạc sĩ Trần Tiến có rất nhiều kỷ niệm. Năm 1989, lúc khó khăn nhất, họ chia nhau những đồng xu cuối cùng.
"Trải qua bao dâu bể, thăng trầm… đến nay Trần Tiến vẫn ổn, đó là điều tôi mừng nhất. Nhìn lại cuộc đời Trần Tiến, tôi thấy bạn mình cao số, thần chết nhiều phen chịu thua. Thời kỳ chiến tranh, Trần Tiến suýt chút nữa đã nằm lại giữa chiến trường xanh ngát. Gần đây, Trần Tiến sống sót sau lần cắt mấy chục centimet ruột và qua 30 lần xạ trị. Bệnh nhân to khỏe mới 50 tuổi mà đến tia thứ 15 đã ra đi ngay trước mặt Tiến, thế mà nhạc sĩ già U80 vẫn trụ được cho đến bây giờ", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể.
Tháng 7/2023, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng lái xe xuyên Việt, có đi ra Vũng Tàu thăm vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến. Gần nửa thế kỷ chơi với nhau, dù giờ đã lên ông lên bà nhưng gặp nhau vẫn "mày mày… tao tao".
"Lúc lịch sự thì Tiến với Hùng, cậu với tớ, khi trịnh trọng thì đồng chí Thế Hùng. Rượu tê tê cao hứng lại tao mày. Cái ông nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng thế, chúng tôi đều thế hết, quen miệng rồi. Xưng "tao - mày" là khoái nhất, thích nhất, thú nhất.
Tối đầu tiên, Trần Tiến lôi vào trong hầm rượu âm mưu "dìm" cho chết. Uống, say, đàn hát mà hát 100% nhạc Trần Tiến. Trưa ngày thứ hai, nhà hàng phố biển, không rượu, chỉ toàn bia thôi. Trước Trần Tiến uống rượu cũng khiếp lắm nhưng sau khi qua 30 lần xạ trị, Trần Tiến đã biết "đầu hàng". May mà tử thần thương tình chiếu cố không báo cáo Nam Tào gạch tên nên cậu biết sợ, chỉ uống bia thôi, lại ôm đàn hát và chỉ hát bài của mình… Bữa cuối tiễn tôi đi Đà Lạt, Trần Tiến hát một loạt ca khúc mới cho tôi nghe. Tôi trổ tài ảo thuật cho vợ chồng Trần Tiến xem, biến 500.000 đồng của Ngà - vợ Trần Tiến thành 50.000 đồng, vợ Trần Tiến tròn xoe mắt phục lăn.
Trần Tiến bảo: "Cậu bắt tớ hát bài nào cũng được nhưng riêng 3 bài "Mẹ tôi", "Chị tôi", "Quê tôi"… là tớ không hát đâu vì cứ hát là khóc, khóc nhè. Có một lần tôi chứng kiến Trần Tiến khóc thật, vừa hát vừa khóc, khóc nức nở, khóc rũ rượi. Hai tay ôm mặt khóc, gục đầu vào bàn khóc…
"Mẹ ơi, con đã già rồi/Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con/Mẹ ơi con đã già rồi/Con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa/Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo/Ngoài kia mùa đông cây bàng lá đổ… Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa/Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi/Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ…".
Chứng kiến hôm đó không chỉ mình tôi mà còn cả ca sĩ Thanh Lam - con gái nhạc sĩ Thuận Yến", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng nhớ lại.
Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, sau nhiều lần xạ trị và chống chọi với căn bệnh ung thư, sức khỏe của nhạc sĩ Trần Tiến đã nhiều phần sa sút. Giọng của ông không còn đẹp như trước, cột hơi đã rất yếu… nhưng "chất lửa" trong âm nhạc của ông, trong con người ông thì vẫn vẹn nguyên phong độ.
"Nhìn bạn mệt mỏi mà vẫn ôm đàn hát cho bạn nghe, tôi xót xa lắm. Thương Trần Tiến tuổi già bệnh tật quê người, hai vợ chồng già chăm nhau. Các con của Trần Tiến giờ đều đã định cư bên Mỹ. Ở Vũng Tàu cả hai cũng có bạn nhưng bạn thân thật sự thì rất ít. Thân nhất là ông nhạc sĩ Nguyễn Cường thì cũng ở Hà Nội…
Thèm có những buổi sáng 3 tên đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm rồi sà vào quán nước trà vỉa hè, lôi nhau đi ăn bún, ăn phở 1 bát chia 3 (Trần Tiến đã viết trong ca khúc của mình: "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ đắt nhất tình người thôi".
Đêm trước xa nhau, muộn lắm rồi và mưa rất to nhưng vẫn cố gắng mang mấy viên thuốc bổ não đến cho vợ chồng Tiến, tôi mới yên tâm sáng sớm hôm sau rời Vũng Tàu… Đến Đà Lạt, mưa suốt cả đêm, trời lành lạnh, bất giác nhớ Trần Tiến. Thương bạn tuổi già cô đơn, phiêu bạt xứ người. Tôi ôm đàn mà nước mắt cứ chảy ra. Vừa viết vừa khóc, nhạc ra đến đâu nước mắt trào ra đến đấy", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể thêm.
Trước đó, khi chia sẻ trong Cassette hoài niệm, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, quãng thời gian khó khăn khi ông phát hiện mắc căn bệnh ung thư giai đoạn 4: "Tôi tái mặt đi như một người sắp chết. Mỗi lần vào bệnh viện, xung quanh là đám đông chờ đợi. Có người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi luôn xếp hàng trước tôi, một ngày không thấy anh ấy đâu, tôi hỏi bác sĩ nói người đó đã không qua khỏi.
Những người bình thường xạ 14, 15 tia, tôi xạ đến 30 tia. Khi điều trị tới tia thứ 30, tôi gục ngã hoàn toàn. Sức khỏe suy kiệt, trong đầu tôi bỗng có thanh âm tự nhủ: "Đừng gục ngã, dậy đi". Bài hát "Không gục ngã" đã ra đời như vậy. Chính sản phẩm của tôi dạy tôi hãy sống như anh hát. Sau đó, tôi gửi nhờ Thanh Phương phối khí và luôn nghe ca khúc để tự động viên chính mình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.