Giá gạo ngày nào cũng tăng, cửa hàng, đại lý gạo tại TP.HCM khẳng định chưa từng thấy kiểu tăng "hỗn" như vậy
Hồng Phúc
Thứ sáu, ngày 11/08/2023 12:29 PM (GMT+7)
Giá gạo tăng nóng từ xuất khẩu đến đại lý, cửa hàng bán lẻ. Chủ nhiều đại lý, cửa hàng cho biết bán gạo cả chục năm, chưa từng thấy năm nào giá liên tục tăng và cao như vậy.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng vọt và lập đỉnh ở mức hơn 600 USD/tấn do Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo. Đây là mức giá gạo xuất khẩu chưa từng thấy sau hàng chục năm qua. Giá gạo xuất khẩu tăng vọt kéo theo giá gạo bán lẻ trong nước cũng lập đỉnh.
Giá gạo tăng nóng chưa từng thấy, đẩy bún phở, bánh tráng tăng theo
Chủ nhiều đại lý, cửa hàng gạo tại TP.HCM xác nhận kinh doanh gạo cả chục năm, chưa khi nào thấy giá gạo tăng nóng, thậm chí tăng hỗn như thời điểm này. Đáng chú ý, không chỉ tăng chóng mặt mà giá gạo còn tăng liên tục, hầu như ngày nào cũng tăng.
Sáng 11/8, ông Nguyễn Văn Là - chủ đại lý gạo tại chợ Bà Chiểu, vừa giao một đơn cho khách. Ông cho biết chưa khi nào giá gạo bán ra lại cao như hiện nay.
“Giá gạo mỗi ngày đều tăng, khi thì 500 đồng, khi thì 1.000 đồng chứ không cố định như trước. Trước đây, giá thường nhích nhẹ vào tháng 7, còn giờ mức độ tăng giá là chưa từng thấy”, anh Là lắc đầu, nói với Dân Việt.
Bà Mẫn - đại lý kinh doanh gạo khác tại quận Bình Thạnh, cho biết thêm nửa tháng nay, mối thay đổi giá liên tục. Gạo chất lượng trung bình 13.000 - 14.000 đồng/kg thì tăng thêm 3.000 - 4.00 đồng/kg. Gạo loại ngon trên 20.000 đồng/kg thì tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng. Giá bán lẻ hiện nay là không còn gạo dưới 15.00 đồng/kg nữa.
“Giai đoạn đầu, đầu mối báo tăng, chúng tôi vẫn giữ giá bán lẻ cho khách nhưng ngày nào cũng tăng, chúng tôi không thể giữ giá được nữa, buộc phải tăng theo. Chẳng hạn, nhập vào 14.000 đồng/kg, bán ra 15.000 đồng/kg. Vừa hết hàng, gọi điện cho đầu mối thì họ đã báo 16.000 đồng/kg. Nếu cứ như vậy, tiểu thương chúng tôi rất hồi hộp”, bà Mẫn nói.
Theo ghi nhận tại nhiều đại lý gạo tại Bình Thạnh, quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình… gạo kệ và kho ê hề, ít thấy người tới mua. Chủ các đại lý cũng cho biết sức mua gạo hiện nay không tăng, ít có hiện tượng mua nhiều, dự trữ. Tuy nhiên, giá gạo nhập vào báo tăng theo giá gạo xuất khẩu.
Giá gạo bán lẻ tăng đẩy các các mặt hàng liên quan gạo như bún, phở, hủ tiếu cũng tăng giá theo. Bà Hương - chủ sạp bún tại chợ Bà Chiểu, cho biết giá các mặt hàng này được xưởng báo tăng 1.000 đồng mỗi kg do giá gạo tăng. Vì vậy, giá bán ra cũng phải tăng theo 1.000 đồng/kg.
Tập trung bình ổn giá gạo bán lẻ
Trong khi đó, giá gạo bán lẻ tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Go!, MM Mega Market, Lotte Mart… vẫn ở mức ổn định. Phía Saigon Co.op cho hay, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị vẫn bình ổn. Đơn vị có nguồn dự trữ tốt, và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.
Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn không điều chỉnh giá, bán thấp hơn thị trường 5-10%.
Sở Công Thương TP.HCM đã yêu cầu các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.
Các hệ thống phân phối hiện đại phải dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch thu mua dự trữ và kịp thời cung ứng gạo phục vụ thị trường trong mọi tình huống.
Các quận, huyện và TP.Thủ Đức theo dõi diễn biến thị trường, giá cả trên địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định giá hàng hoá tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Ban quản lý các chợ được yêu cầu phải tăng cường quản lý giá cả, chất lượng gạo, việc cân, đong gạo, giá cả niêm yết trong phạm vi quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.