Giá gạo xuất khẩu “lên đỉnh”, vượt cả “ông trùm” Thái Lan

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 19/06/2018 07:59 AM (GMT+7)
Sau một năm trầm lắng, ngay từ những tháng đầu của năm 2018, xuất khẩu gạo đã có sự đột phá cả về giá và sản lượng. Giá gạo của Việt Nam thậm chí vượt qua cả Thái Lan và Ấn Độ và giữ mức giá cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Bình luận 0

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2018 đạt 763.707 tấn, trị giá 391,38 triệu USD, giá trung bình 512,5 USD/tấn, tăng 5,9% về lượng, tăng 7,4% về kim ngạch và tăng 1,5% về giá so với tháng 4/2018 và tăng tương ứng 31,8%, 51,4% và 14,9% so với tháng 5/2017.

Tỉnh chung cả 5 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,96 triệu tấn, thu về 1,5 tỷ USD, tăng trưởng 25,7% về lượng, tăng 42,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; giá trung bình đạt 505,1 USD/tấn, tăng 13,4%.

img

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2018 khởi sắc đáng kể. Ảnh: BĐT.

Bên cạnh tăng trưởng về lượng thì giá gạo xuất khẩu trong 5 tháng cũng tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 458-462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5 – là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và cao hơn gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ là 404-408 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 435-440 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm trên 80%. Dự báo từ nay đến hết tháng 6, giá lúa gạo trong nước tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng xuất khẩu gạo trở lại sang Philippines.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với sản lượng 5 tháng đầu năm 2018 đạt 844.097 tấn, tương đương 449,43 triệu USD, giảm 21,3% về lượng và giảm 7,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá xuất khẩu lại tăng trên 17%, đạt 532,4 USD/tấn.

Đặc biệt, thị trường Indonesia có sự tăng trưởng ngoạn mục, vươn lên là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam với sản lượng đạt 596.058 tấn, kim ngạch 280,04 triệu USD, tăng tới 291 lần về lượng và gấp 269 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, giá xuất khẩu đạt 469,8 USD/tấn.

Tiếp đến thị trường Malaysia đạt 273.019 tấn, tương đương 122,4 triệu USD, tăng mạnh 150% về lượng và tăng 177,6% về kim ngạch, giá xuất khẩu tăng 10,9%, đạt 448,3 USD/tấn.

img

Xuất khẩu gạo khởi sắc khiến giá lúa gạo rất ổn định. Ảnh: Bnew.

Một số thị trường như Iraq, Bangladesh cũng có sự tăng trưởng đáng kể, đáng chú ý nhất xuất khẩu sang thị trường Iraq tăng rất mạnh gấp 18,7 lần về lượng và gấp 25,7 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 150.000 tấn, tương đương 85,56 triệu USD. Giá xuất khẩu tăng 37,6%, đạt 570,4 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Bangladesh mặc dù chỉ đạt 3.994 tấn, tương đương 1,57 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng gấp 90,8 lần về lượng và gấp 61,6 lần về kim ngạch.

Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu còn tăng tương đối tốt ở một số thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ tăng 813,8%, đạt 4.377 tấn; Pháp tăng 294,4%, đạt 710 tấn; Mỹ tăng 135,9%, đạt 26.268 tấn; Ba Lan tăng 75,4%, đạt 1.110 tấn, giúp xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm vô cùng thuận lợi.

Xuất khẩu gạo khởi sắc cũng khiến giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu năm đến nay ổn định ở mức cao. Hồi  trung tuần tháng 5, giá gạo trắng 5% tấm đã vượt 10.000 đồng/kg, lúa khô loại thường 6.600 - 6.650 đồng/kg, lúa khô loại dài 6.850 - 6.900 đồng/kg.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, cả năm 2018, mục tiêu hướng tới là xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng xuất khẩu, song không quá 20%.

Về lâu dài, xuất khẩu gạo cần tiếp tục kiên trì theo con đường nâng cao chất lượng. Để duy trì giá cao, sau khi đảm bảo chất lượng, phải làm tốt hơn vấn đề thương hiệu cho hạt gạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem