Giá heo hơi hôm nay 14/7: Giá ba miền nhảy múa, cuối năm thiếu heo?

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 14/07/2019 05:30 AM (GMT+7)
Theo khảo sát của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 14/7 tại miền Bắc tiếp tục ổn định ở mức 39.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi tại miền Nam tăng nhẹ. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi đã khiến người dân kiệt sức, địa phương cạn ngân sách và mối lo thiếu nguồn cung thịt heo vào cuối năm đang hiện hữu.
Bình luận 0

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc: Nơi tăng nơi giảm

Theo khảo sát của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 14/7 tại nhiều địa phương ở miền Bắc tiếp tục ổn định ở mức từ 37.000 - 41.000 đồng/kg, cao nhất toàn quốc. Tuy vậy, giá heo hơi  cũng có sự tăng giảm ở nhiều địa phương.

Trong khi giá heo hơi tại Hải Dương tăng thêm 1.000 đồng/kg, đạt 38.000 - 39.000 đồng/kg; giá heo hơi ở Hà Nội ổn định ở mức 41.000 - 42.000 đồng/kg thì giá heo hơi tại Thái Bình, Lào Cai,... giảm nhẹ, đạt 38.000 - 39.000 đồng/kg.

Cá biệt, theo thông tin khảo sát của Dân Việt, giá heo hơi tại Hưng Yên đạt 44.000 đồng/kg.

Giá heo hơi ở miền Bắc đang có chiều hướng tăng nhưng nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Hồng đang kiệt quệ vì dịch. Tại cuộc họp bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Bộ NNPTNT tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang thừa nhận: “Toàn tỉnh có 180 tỷ đồng kinh phí dự phòng nhưng thiệt hại do DTLCP gây ra đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Tình hình xử lý hết sức khó khăn”.

Trước đó, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cũng thừa nhận rằng dịch bệnh này gây thiệt hại nặng về kinh tế hơn cả thiên tai, bão gió, khiến lãnh đạo tỉnh “phát sốt” vì trong đời quản lý tài chính chưa thấy dịch bệnh nào thiệt hại lớn như thế.

img

Giá heo hơi hôm nay 14/7 tại ba miền có sự biến động nhẹ, miền Bắc cao nhất đạt 44.000 đồng/kg, giá heo hơi miền Nam tăng nhẹ. Ảnh: I.T

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên: Vẫn ổn định

Trong khi giá heo hơi tại miền Bắc có sự biến động nhẹ ở nhiều địa phương thì giá heo hơi hôm nay 14/7 ở thị trường miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ổn định. 

Cụ thể, giá heo hơi tại Thanh Hóa đạt 40.000 đồng/kg; tại Nghệ An, giá heo hơi đạt 33.000 - 34.000 đồng/kg.

Bình Thuận là nơi có giá heo hơi cao nhất miền Trung, đạt 40.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay khu vực miền Trung dao động từ 31.000 - 35.000 đồng/kg.

Hiện, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong vấn đề hỗ trợ người chăn nuôi. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 2454/QĐ-UBND về việc giải quyết kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi đợt 2 với số tiền hơn 1,255 tỷ đồng. 

Hiện tại, các địa phương: Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳ Châu, Đô Lương, Quỳ Hợp và Yên Thành đang đề nghị tỉnh hỗ trợ đợt 3 và 4 với số tiền gần 5 tỷ đồng.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Có dấu hiệu tăng

Sau nhiều ngày giảm, giá heo hơi hôm nay 13/7 tại khu vực miền Nam ghi nhận sự tăng giá nhẹ, đạt bình quân 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá heo hơi hôm nay tại TP.Cần Thơ đạt 33.000 đồng/kg. 

Giá heo hơi tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt từ 32.000 - 33.000 đồng/kg.

Cá biệt, giá heo hơi tại Đồng Nai sau nhiều ngày giảm xuống dưới 30.000 đồng thì giá heo hơi hôm nay 14/7 đã chạm được mức này. 

Điều đáng lo ngại là, theo phản ánh, hiện một số trang trại lớn của tỉnh Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. 

Chính vì vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ NNPTNT đề nghị có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với những trang trại và hộ chăn nuôi đã bị dịch; hộ nuôi chưa bị ảnh hưởng dịch nhưng giá bán quá thấp.

Cuối năm có thiếu thịt lợn?

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, vấn đề lo ngại đặt ra là từ nay đến cuối năm, tình hình cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn sẽ như thế nào. Liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm, “sốt” thực phẩm dẫn tới đẩy giá lên cao hay không?

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, khi dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ đầu đã dự báo trước nếu biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất không tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn. 

Vì vậy, ông Cường yêu cầu phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.

"Nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ thì có thể tăng đàn; những nơi qua 30 ngày không phát sinh dịch, đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học cũng có thể phát triển đàn lợn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem