Giá heo hơi tăng, nhà nông gồng mình chăm đàn lợn đón thị trường Tết

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 01/01/2021 05:45 AM (GMT+7)
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán nên thời điểm này, người chăn nuôi các địa phương đang tích cực chăm sóc, vỗ béo đàn lợn để kịp có sản phẩm bán đúng dịp.
Bình luận 0

Đối với công tác tái đàn lợn ở miền Bắc, người chăn nuôi hiện đang phải gồng mình phòng chống dịch tả lợn châu Phi cộng với những đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

Giá heo hơi tăng, chủ trang trại thu lãi đậm

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Nguyễn Công Bắc - chủ trang trại lợn 7ha ở TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết, hiện ông đang tích cực chăm sóc đàn lợn thương phẩm và đàn lợn giống để kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, bởi cuối năm giá lợn hơi thường tăng cao, dễ bán. 

Dự kiến trong tháng Chạp, ông Bắc sẽ bán khoảng 2.500 con lợn thương phẩm, chia thành nhiều đợt và sẽ phục vụ các thương lái cho đến ngày 30 Tết.

Gồng mình chăm đàn lợn đón thị trường Tết  - Ảnh 1.

Trại nuôi lợn thịt của chị Lường Thị Hoa (dân tộc Thái ở bản Mường Kham, xã Mường Chùm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Ảnh: Tuệ Linh

Cục Thú y nhận định dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, các ổ dịch xảy ra thời gan qua chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không đảm bảo được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Còn lại, 96% số xã trên cả nước đang "sạch bóng" dịch bệnh, tạo điều kiện cho công tác tái đàn, tăng đàn.

Ông Bắc cho biết, giá lợn hơi tại Sơn La những ngày gần đây đạt 71.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với đầu tháng. Trung bình mỗi tháng, hệ thống trang trại của ông bán cho các thương lái từ 1.500 - 2.000 con lợn thương phẩm. 

Với giá heo hơi như hiện nay, ông Bắc cho biết ông thu lãi khoảng 2 triệu đồng/con sau khi trừ chi phí.

Liên tiếp "đón đầu" các đợt giá lợn hơi tăng cao từ năm 2019 đến nay, trang trại của ông Bắc thu lãi đậm và mới đây, ông đã nhập khẩu 106 con lợn cụ kị từ Pháp về để chủ động tạo nguồn giống bố mẹ. Với quy mô chăn nuôi lớn nhất nhì tỉnh Sơn La (1.600 con lợn nái và 6.000 con lợn thịt), mỗi tháng ông Bắc xuất bán ra thị trường khoảng 150-200 lợn hậu bị, từ 1.000-2.000 con lợn giống để nuôi lấy thịt.

Tuy nhiên ông Bắc cũng tiết lộ, tại Sơn La ít có trang trại nào làm ăn bài bản, làm chuồng kín, áp dụng công nghệ cao như của ông. Chủ yếu bà con nuôi quy mô nông hộ, hoặc thuê đất làm trang trại, lấy công làm lãi là chính. Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi cũng chủ yếu xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn hầu hết các hộ nuôi trên 50 nái không bị ảnh hưởng gì.

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, tiểu khu 39, xã Cò Nòi (Mai Sơn) có 130 con lợn, tổng trọng lượng khoảng 14 tấn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn. Sau nửa năm để trống chuồng, đến nay anh Tùng cũng chỉ dám mua lợn thịt về vỗ béo để bán.

Anh Tùng chia sẻ: Sau khi tiêu hủy đàn lợn, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ gần 190 triệu đồng, nhưng tôi vẫn phải chờ đến khi địa bàn hết dịch mới dám thêm tiền vào để mua 50 con lợn loại 60-70 kg/con về vỗ béo. 

Chúng tôi cũng muốn tái đàn lắm nhưng cũng sợ rủi ro, vì khu chuồng nuôi trước đó đã có dịch, con giống thì đang đắt đỏ, khó mua, ngoài ra chi phí thức ăn cũng tăng hơn trước nên chả biết lúc bán còn được lời lãi bao nhiêu.

Được biết, giá lợn giống tại Sơn La hiện nay vẫn đang ở mức rất cao, trong đó lợn giống ngoại siêu nạc từ 2,5-3 triệu đồng/con 6kg; lợn lai giá khoảng 2,7 triệu đồng/con, các loại lợn địa phương cũng đắt gấp 2-3 lần so với trước, dao động từ 1,5-2 triệu đồng/con.

Giá heo hơi tăng, nhà nông gồng mình chăm đàn lợn đón thị trường Tết - Ảnh 4.

Giá heo hơi đang tăng, tạo động lực cho nhà nông gồng mình chăm đàn lợn đón thị trường Tết.

Con giống đắt đỏ, khó mua là một phần, nhưng điều bà con lo nhất vẫn là dịch tả lợn châu Phi quay lại. Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản Sơn La cho biết: Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã có xu hướng giảm, nhưng việc tái đàn lợn hiện nay vẫn cần thận trọng. Nguyên nhân là bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh, virus tồn tại rất lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh đa dạng, khó kiểm soát.

Mặt khác, ngành chăn nuôi lợn hiện nay chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, trại hở, hầu hết chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nên dịch bệnh có thể gây thiệt hại bất cứ lúc nào.

Nỗ lực đáp ứng đủ thịt lợn

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ đầu năm 2020 đến ngày 17/12/2020, cả nước đã xảy ra 1.596 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 320 huyện, thuộc 50 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 86.462 con, tổng trọng lượng là 4.322 tấn.

Cục Thú y nhận định dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát, các ổ dịch xảy ra thời gan qua chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không đảm bảo được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Còn lại, 96% số xã trên cả nước đang "sạch bóng" dịch bệnh, tạo điều kiện cho công tác tái đàn, tăng đàn.

Giá heo hơi tăng, nhà nông gồng mình chăm đàn lợn đón thị trường Tết - Ảnh 5.

Trại nuôi lợn thịt của gia đình chị Lường Thị Hoa ở bản Mường Kham, xã Mường Chùm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La chia làm nhiều ngăn nhỏ. Mỗi ngăn, chị Hoa nuôi những lứa lớn có độ tuổi khác nhau. Ảnh: Tuệ Linh

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đang phát sinh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên và Thanh Oai. Tuy nhiên ở các địa phương khác, việc tái đàn của bà con vẫn đang thuận lợi. Tính đến thời điểm này, đàn lợn của thành phố đã đạt gần 1,4 triệu con, tăng 40% so với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, thành phố còn có khoảng 40,1 triệu con gia cầm (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2019), đàn bò 134.500 con, tăng 1,3%...

Với khả năng sản xuất như hiện nay, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, thịt gia cầm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, còn thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15%. Đối với thịt lợn, nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu ước tính khoảng 22.300 tấn/tháng, nhưng hiện thành phố mới sản xuất được 18.800 tấn/tháng, như vậy thành phố sẽ thiếu khoảng 3.500 tấn.

Do đó, TP.Hà Nội đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tái đàn; đồng thời liên kết với các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. 

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng cho các trang trại mua lợn giống về tái đàn; hỗ trợ thuốc sát trùng, tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng các chuồng trại chăn nuôi, tăng cường kiểm tra việc tái đàn để đảm bảo tái đàn an toàn, hiệu quả.

Ông Khổng Văn Hưng (ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn) cho biết: "Hiện nay, trang trại của gia đình có 300 con lợn nái và hơn 1.000 lợn thương phẩm, dự kiến trong thời gian tới tăng thêm 500 con lợn thương phẩm để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nếu giá thịt lợn duy trì ở mức 65.000-70.000 đồng/kg, người chăn nuôi sẽ có lãi".

Chia sẻ về việc bảo vệ đàn lợn để có sản phẩm tung ra thị trường dịp tết, ông Nguyễn Công Bắc cho biết, người chăn nuôi cần tuân thủ chặt chẽ việc vệ sinh khử trùng chuồng trại, đảm bảo các tiêu chí an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ vaccine cho vật nuôi.

"Chăn nuôi ở miền Bắc còn phải đối phó với thời tiết rét đậm, rét hại trong mùa đông, do đó tốt nhất bà con nên đầu tư xây dựng chuồng kín. Còn chưa có điều kiện làm chuồng hiện đại thì phải dùng các vật liệu che chắn, giữ cho chuồng trại không bị gió tạt vào, nếu lạnh quá thì phải dùng đèn điện sưởi ấm cho vật nuôi. Đối với trại hở, nếu bà con không giữ ấm tốt thì đàn lợn dễ bị viêm phổi, hoặc xảy ra trường hợp đột tử" - ông Bắc cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem