Gia Lai: 2 tập đoàn lớn rót hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư khu chăn nuôi công nghệ cao

Đình Văn Thứ tư, ngày 24/06/2020 16:46 PM (GMT+7)
Chiều ngày 24/6, tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai đã diễn ra buổi làm việc giữa đại diện Bộ NNPTNT, tỉnh Gia Lai với Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn về việc đầu tư xây dựng Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến tổng nguồn vốn cho dự án này hơn 1.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Buổi làm việc có sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo các Cục của Bộ NNPTNT; Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan, Đan Mạch tại Việt Nam; Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực Châu Á (Hà Lan), Tổng Giám đốc De Heus tại Việt Nam và Campuchia…

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực Châu Á cho biết: Dự án "Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai", do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) làm chủ đầu tư. Hai tập đoàn sẽ đầu tư và xây dựng một khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Gia Lai. Quy mô dự án khoảng 100ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.030 tỷ đồng.

Đầu tư trang trại chăn nuôi hơn 1.000 tỷ đồng tại Gia Lai - Ảnh 1.

Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan, Đan Mạch tại Việt Nam giới thiệu qua về dự án chăn nuôi công nghệ cao. Ảnh Đ.V

Đầu tư trang trại chăn nuôi hơn 1.000 tỷ đồng tại Gia Lai - Ảnh 2.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus khu vực Châu Á (Hà Lan) cho biết: Dự án sẽ đưa khu vực Tây Nguyên trở thành khu chăn nuôi công nghệ cao, cung cấp giống lợn và thịt lợn hàng đầu Đông Nam Á và Châu Á.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành cam kết tại hội nghị: "Tôi rất vui trong chiến lược phát triển của tỉnh, có một dự án lớn giết mổ, chế biến thịt chất lượng cao, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế. Tôi cũng mong muốn doanh nghiệp làm sao để người dân xung quanh được hưởng lợi từ dự án một cách chính đáng; được giải quyết công ăn việc làm. Tỉnh cam kết cố gắng tạo các điều kiện, cơ hội tốt nhất và tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào Gia Lai".

Đầu tư trang trại chăn nuôi hơn 1.000 tỷ đồng tại Gia Lai - Ảnh 3.

Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Đầu tư trang trại chăn nuôi hơn 1.000 tỷ đồng tại Gia Lai - Ảnh 1.

Dự án chăn nuôi do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn góp vốn, cam kết ứng dựng công nghệ cao để đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đầu tư trang trại chăn nuôi hơn 1.000 tỷ đồng tại Gia Lai - Ảnh 2.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, 2 bên góp vốn đầu tư dự án chăn nuôi với mục đích đưa Gia Lai trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết khép kín. 

Chuỗi liên kết này bao gồm: Chọn lọc, sản xuất heo giống; giết mổ heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và định hướng xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á; đồng thời hướng đến xây dựng quy hoạch thí điểm "Vùng an toàn dịch bệnh".

Dự án sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt trong quá trình chăn nuôi. Toàn bộ quy trình chăn nuôi tại dự án được ứng dụng 100% công nghệ cao, theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Điểm mới trong dự án này là hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Dự án cũng tạo ra cơ hội việc làm cho 150 lao động, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Tại khu vực Tây Nguyên, năm 2019 Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc đầu tư triển khai "Xây dựng tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk". Đến nay, dự án đang triển khai theo đúng kế hoạch, dự kiến cuối năm 2021 sẽ chính thức cung cấp giống heo sạch, chất lượng cao ra thị trường.

Trong định hướng 5-10 năm tới, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ mở rộng và phát triển chuỗi các Dự án chăn nuôi giống lợn khắp 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Sau Gia Lai, sẽ triển khai tại Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng, nâng tổng công suất lên mức 10.000 đến 15.000 con giống cụ, kỵ, và từ 100.000 đến 120.000 con giống ông bà. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và Phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem