Liên tiếp các vụ phá rừng quy mô lớn
Chỉ tính riêng trong tháng 8 vừa qua, tại 3 huyện Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) liên tiếp phát hiện nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, số lượng gỗ bị thiệt hại lên đến hàng chục mét khối, trong đó nổi cộm nhất là ở khu vực giáp ranh giữa 2 xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) và xã Ia Tul (huyện Ia Pa).
Cụ thể, tại tiểu khu 807 thuộc lâm phần do UBND xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) quản lý có 9 gốc cây dổi, trâm bị lâm tặc cưa hạ với tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 25,5 m3. Kiểm tra mở rộng về hướng huyện Ia Pa, lực lượng chức năng phát hiện nhiều lóng gỗ được xẻ vuông vức kích cỡ 60 x 60 x 350 cm bị bỏ lại trên bãi đất trống tại tiểu khu 1229 thuộc lâm phần do UBND xã Ia Tul quản lý.
Xã Ia Rmok chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm để bảo vệ rừng nhưng rừng vẫn bị phá tan hoang
Lần theo dấu vết bánh xe độ chế, đoàn kiểm tra phát hiện tại tiểu khu 1240 do UBND xã Ia Tul quản lý có một con đường do lâm tặc mở rộng hơn 2m, dài hàng cây số xuyên rừng. Hai bên con đường này là các đường xương cá cắt ngang vào khu vực có cây gỗ lớn, lâm tặc đã cưa các cây gỗ rồi dùng dây cáp kéo lên đường chính trước khi sử dụng xe độ chở về bãi tập kết tại tiểu khu 1229.
Đến cuối tháng 8, đoàn công tác huyện Kông Chro tiếp tục phát hiện tại một lán trại trên lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa quản lý có 1 xe độ chế, trên xe có 32 lóng gỗ với khối lượng gần 3m3. Mở rộng hiện trường, đoàn phát hiện dưới gầm lán trại và cách lán trại chừng 50m có 1 điểm tập kết 155 lóng, hộp gỗ với tổng khối lượng 20,316 m3.
Ngoài ra tại tiểu khu 778, lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa (xã Chơ Long, huyện Kông Chro), đoàn phát hiện có 86 cây gỗ bị cưa hạ trái phép, khối lượng gỗ thiệt hại là 12,779 m3, trong đó, khối lượng gỗ còn tại hiện trường là hơn 5,5 m3.
Trong khi đó cũng tại khu vực này, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai chủ trì còn phát hiện thêm 115 cây gỗ bị cưa hạ trái phép với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 12m3.
Những cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ ở khu vực giáp ranh 2 huyện Kông Chro và Ia Pa
Tiếp theo đó, cuối tháng 8/2019 PV lại tiếp tục ghi nhận cảnh các đối tượng lâm tặc ngang nhiên huy động cả chục người vào khai thác gỗ rầm rộ tại cánh rừng của xã Ia Rmok (huyện Krông Pa). Kiểm tra sau đó, đoàn liên ngành phát hiện có 49 gốc cây bị đốn hạ ở 2 tiểu khu 1410 và 1417 xã Ia Rmok.
Được biết, hàng năm các đơn vị chủ rừng như (UBND xã, Ban quản lý rừng phòng hộ hay các Công ty lâm nghiệp) vẫn nhận đều đều tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn ngân sách khác để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng trên thực tế, rừng vẫn bị “xẻ thịt” hàng ngày.
Xã chi sai tiền dịch vụ môi trường rừng
Theo báo cáo từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai, trong năm 2018 đơn vị đã chi hơn 132 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Xã Ia Tul (huyện Ia Pa) là một trong những địa phương nhận tiền dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất, với gần 2 tỷ đồng. Dù tiền đã chi cho việc bảo vệ rừng nhưng rừng vẫn bị mất liên tục.
Những cây được gắn bảng bảo vệ vẫn bị chặt hạ
Còn theo ông Ksor Run - Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, xã đang quản lý 4.000ha rừng, trong số này có 1.800ha giao cho các nhóm hộ thuộc 4 buôn, gồm buôn Mnga, buôn ThiơL, buôn Gum Gốp và buôn Blăk (buôn này được gộp từ buôn Knia). Năm 2019, tổng kinh phí tiền dịch vụ môi trường rừng là 360 triệu đồng.
Cứ một tuần 2 lần, các nhóm hộ được giao phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn kiểm tra rừng nhưng không thấy báo cáo tình trạng phá rừng. Nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của PV cánh rừng thuộc xã Ia Rmok quản lý đã bị các đối tượng lâm tặc tàn phá không thương tiếc.
Theo ông Trương Văn Nam - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, việc giao khoán bảo vệ rừng cho các nhóm hộ vẫn còn nhiều lỗ hổng. Các hộ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng và nhận tiền đều đặn để đi tuần tra, bảo vệ rừng nhưng khi mất rừng lại không có chế tài ràng buộc.
Bên cạnh đó, nhìn chung tiền dịch vụ môi trường rừng chi mỗi năm rất lớn nhưng chia nhỏ cho các chủ rừng và đơn vị giao khoán thì lại rất thấp, chỉ từ 120.000 đồng đến 400.000 đồng/ha/năm. Nếu một hộ dân nhận 30 ha, cao nhất mỗi năm cũng chỉ thu nhập 12 triệu đồng nên người dân không thể trang trải hết chi phí cuộc sống. Do vậy họ lơ là, bỏ bê để làm những công việc khác hoặc quay ngược lại phá rừng làm nương rẫy, lấy gỗ để kiếm cơm.
“Chi cục đang nghiên cứu, tham khảo những tỉnh khác để đổi mới cách chi trả và giao khoán. Nếu gom và giao số tiền dịch vụ môi trường rừng này về một khoản lớn, sau đó thuê những cá nhân có nhận thức cao và có chuyên môn trong việc tuần tra, bảo vệ rừng sẽ hiệu quả hơn”, ông Nam cho biết thêm.
Nhận tiền bảo vệ, gỗ vẫn ra đều đều nhưng chủ rừng lại không biết
Bên cạnh việc chi hàng trăm tỷ đồng bảo vệ rừng nhưng rừng vẫn mất, nhiều đơn vị chủ rừng còn chi sai mục đích, lập chứng từ khống để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ quỹ này. Thanh tra huyện Chư Pah (Gia Lai) vừa phát hiện UBND xã Hà Tây để mất 850ha ha rừng. Việc quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tuỳ tiện, lập khống chứng từ để thanh toán tiền hội nghị, tuyên truyền 22 triệu đồng; hợp thức hóa chứng từ để thanh toán sai số tiền hơn 271 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND xã Hà Tây còn tự ý trích lại phần trăm kinh phí của 3 làng và 2 nhóm hộ được thụ hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng với số tiền sai quy định hơn 624 triệu đồng.
Theo ông Võ Văn Hạnh - Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai, hiện nay tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng tại một số xã còn nhiều biểu hiện dễ dẫn đến sai phạm như mở nhiều tài khoản trung gian, chi trả thiếu tiền nhận khoán bảo vệ rừng của dân và mở sổ theo dõi chưa tuân thủ quy định. Nhưng việc của đơn vị là phải chi đúng, chi đủ số tiền trên diện tích các đơn vị chủ rừng quản lý. Hàng năm, Quỹ có phối hợp kiểm tra, giám sát nhưng chủ yếu là về việc sử dụng tiền đúng mục đích hay không, đối chiếu diện tích chi trả và diện tích thực tế...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.