Đến với xã Đông, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), nơi có diện tích trồng bí lớn nhất của huyện bị dịch bệnh hoành hành khiến nhiều hộ trồng điêu đứng.
Trao đổi với phóng viên Báo DANVIET.VN chị Lê Thị Thu (thôn 3, xã Đông, huyện Kbang) buồn bã nói, gia đình chị có hơn 0,3ha bí trồng để bán tết, miệt mài chăm sóc hơn 4 tháng trời, bỏ ra hàng chục triệu đồng đầu tư với mong muốn có một cái tết no đủ từ vụ bí cuối năm. Tuy nhiên, bí đang sinh sôi phát triển tốt thì từ tháng 10 và tháng 11 không biết dịch bệnh gì cây chết dần, chết mòn rồi lan rộng ra hết diện tích của cánh đồng.
Dịch bệnh khảm lá, phấn trắng khiến 0,3ha bí của gia đình chị Thu không thể ra quả, mất mùa.
“Bắt đầu từ tháng 12, tôi chỉ thu được khoảng 4 tạ bí đỏ . Trong khi vụ mùa năm trước gia đình tôi thu hoạch hơn 4 – 5 tấn gấp 10 hơn 10 lần năm nay. Giờ 4 tạ không đủ tiền công chăm sóc, trả nợ thì tiền đâu mà sắm sửa cho tết”, chị Thu buồn bã nói.
Tương tự, bà Trần Thị Hà (Thôn 4, xã Đông, huyện Kbang) chia sẻ, nhà chị xuống giống vào tháng 11 với diện tích hơn 1ha. Gia đình chị đã cố chờ, xuống giống muộn hơn mọi người nhằm tránh dịch bệnh tương tự như các cánh đồng khác. Tuy nhiên, hơn 70% diện tích của gia đình vẫn bị nhiễm bệnh.
Bí bị nhiễm bệnh, lá vàng úa, không cho quả.
“Để vớt vát được phần nào vụ mùa này, gia đình tôi đang liên tục tưới nước và sử dụng phân để cho quả nhanh lớn nhằm phục vụ cho dịp tết nguyên đán cuối năm. Nhưng đoán chừng cũng thu được được 30% tổng diện tích”, chị Hà nói.
Bên cạnh vườn chị Hà, chị Bốn Phêu (thôn 4, xã Đông, huyện Kbang) có rộng khoảng gần 1ha, bí vẫn ra được ít trái nhưng gia đình chị không thu hoạch mà bỏ hoang, mặc cho bí thối rữa từng ngày.
Có những ruộng bí cho ra được ít quả nhưng người dân bỏ hoang vì giá cả thấp, càng thu hoạch càng lỗ
Theo nhiều người dân trồng bí trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) tất cả ruộng bí ở đây đều cùng chung cảnh ngộ. Bí không ra hoa, trái bé, dịch bệnh hoành hành… nhiều nhà thấy càng thu hoạch thì càng lỗ nên bỏ vậy cho bò ăn hoặc chuyển ra trồng lại cây ớt, bắp, mía…
Trước tình hình dịch bệnh hoành hành trên cây bí, có nhiều hộ đã phá bỏ để chuyển sang trồng ớt, ngô...
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Mai , phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang cho biết, những tháng gần đây, trên địa bàn các huyện Kbang thời tiết thất thường đã tạo điều kiện cho dịch bệnh hoành hành trên thân cây bí. Qua kiểm tra, xác minh dịch bệnh trên cây bí có 2 loại bệnh là bệnh khảm và bệnh phấn trắng.
Dấu hiệu nhận biết của hai loại dịch bệnh trên là lá cây sẽ ngã sang màu vàng nhạt, lá nhăn nheo khiến cây phát triển chậm, sau đó chết dần là dấu hiệu của bệnh khảm lá. Còn bệnh phấn trắng ngay từ thời kỳ cây con, một lớp phấn trắng bao phủ trên mặt lá khiến lá chuyển sang màu vàng rồi khô dần. Hai loại dịch bệnh này lây lan rất nhanh, cây bị bệnh sẽ giảm mạnh về năng suất hoặc không ra quả.
“Nếu điều trị bệnh Khảm chỉ cần khi phát hiện, người dân tưới cho sạch lớp sương sớm, đặc biệt là phần dưới của lá. Tuy nhiên, bà con lại có nhiều quan niệm dân gian và dùng không đúng loại thuốc để chữa trị khiến bệnh càng lan rộng. Theo thống kê, chỉ riêng xã Đông đã có hơn 110 ha cây bị nhiễm bệnh. Trong đó, 60ha diện tích cây không ra quả, “mất trắng” và 50ha còn lại đang nhiễm bệnh. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.