Bán phân, bán thuốc rồi… mất hút
Gần tháng nay, nhiều nông dân ở xã Ia Glai (huyện Chư Sê) phải mang từng quả bí ra quốc lộ 14 bày bán, số tiền thu lại không bao nhiêu. Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Hương Phú, xã Ia Glai) cho biết, gia đình chị trồng 2,5ha bí đao xanh giống Đài Loan và bí đỏ, mùa thu hoạch đã qua hơn tháng vẫn không bán được cho ai. Chị đem một ít bí đỏ ra quốc lộ 14 ngồi bán cho khách đi đường, còn lại cả vườn bí đao bỏ mặc ngoài đồng đang hư thối.
Không có người mua, bí đao bắt đầu thối rữa.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến các lô, vườn trồng bí của người dân mới thấy cảnh xót xa. Hàng nghìn quả bí đao xanh từ 10 -15kg nằm lúc nhúc, la liệt trên ruộng không được thu hái, nhiều quả bắt đầu mọng nước, hư hỏng.
Nguồn cơn bắt đầu từ việc Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên (có địa chỉ tại TP Pleiku, Gia Lai) ký hợp đồng “hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua mua quả bí xanh giống Đài Loan) với các hộ dân nơi đây. Theo hợp đồng, công ty này bán hạt giống với định mức 7 triệu đồng/ha, cho nợ 50% tiền phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg bí bò dưới đất, 5.500 đồng/kg bí leo giàn. Tuy nhiên, khi quả bí vào mùa thu hoạch, công ty bặt vô âm tín khiến nông dân điêu đứng nhìn hàng trăm tấn bí đao thối rữa ngoài đồng.
Một khổ chủ khác là anh Nguyễn Văn Hào (ở thôn Nông trường, xã Ia Glai) cho biết, sau khi ký hợp đồng với Công ty Phú An Khang, gia đình anh đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, mua vật tư, chi phí sản xuất lên tới 300 triệu đồng cho 6ha bí đao xanh. Giờ đến kỳ thu hoạch, sản lượng ước tính 360 tấn, tính theo giá hợp đồng thu được gần 2 tỷ đồng.
Anh Hào chua chát nói: “Tôi gọi điện cho công ty vào thu mua, họ hẹn 2 - 3 ngày rồi không thấy đâu, những lần sau họ bảo đang bận đi mua hàng, lúc bảo đi Trung Quốc… Cuối cùng họ cắt đứt liên lạc, tôi đành bỏ mặc bí hư thối”.
Bí đao được chất thành đống cao cạnh quốc lộ 14
Những hợp đồng kỳ lạ
Trao đổi với báo Dân Việt, ông Nguyễn Đức Phi – Chủ tịch UBND xã Ia Glai - cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ trồng bí, bước đầu cử cán bộ xuống kiểm tra đã xác định có 8 hộ trồng số lượng lớn, 18,5 ha bí. Do đây là hợp đồng người dân ký với doanh nghiệp không qua xã, một số khác ký hợp đồng miệng nên khó giải quyết, huyện cũng chưa có chỉ đạo gì. Nếu theo hợp đồng, 1 ha người dân có thế lời cả 100 triệu đồng.
Điều đáng nói là trong các hợp đồng, có nhiều điều khoản bất lợi hoàn toàn cho nông dân. Ông Trần Khắc Liêm (thôn Nông Trường) bức xúc: “Tin tưởng công ty nên chúng tôi không nghi ngờ gì cả, đến khi xem lại mới thấy hợp đồng bất lợi cho dân. Nếu nông dân tự ý bán ra thị trường thì phải bồi thường gấp 10 lần giá trị, tức bán một ký phải bồi thường 50.000 nghìn đồng. Còn nếu công ty không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì lại không thấy đề cập đến”.
Bí đao nằm la liệt, chờ thối trên vườn
Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chư Sê cho biết: Phòng có liên hệ mời công ty xuống làm việc để giải quyết cho dân nhưng họ không xuống. Về số lượng cụ thể bao nhiêu hộ trồng, diện tích ra sao thì rất khó xác định do dân tự ý trồng không có báo cáo xã, phòng chuyên môn biết.
Trước sự việc bất thường trên, phóng viên Dân Việt đã đến số nhà 127 Lý Thường Kiệt, TP. Pleiku (địa chỉ Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên ghi trong hợp đồng) để tìm hiểu. Nhưng không thấy Công ty Cổ phần Phú An Khang tại địa chỉ này, phía ngoài căn nhà chỉ treo tấm biển “Nhà phân phối dầu nhờn Long Bình”. Chúng tôi gọi vào số điện thoại 0982006*** (là số điện thoại của công ty ghi trong hợp đồng) nhưng cũng không nghe đổ chuông.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.