Gia Lai: Huyện nghèo xài hoang

Thứ sáu, ngày 11/11/2011 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do là huyện nghèo, dân trí còn thấp, huyện Kbang (Gia Lai) được Nhà nước cấp ngân sách hàng năm khá lớn để xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, tiền của Nhà nước đã bị không ít địa phương sử dụng một cách lãng phí...
Bình luận 0

Trường xây chồng trường

Gần trụ sở UBND xã Tơ Tung là điểm trường thuộc thôn Lơng Khương. Tại đây, 3 ngôi nhà đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Một bị tốc mái trong cơn bão số 2, thiết bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa. Cạnh đó là ngôi trường ghép lớp 1+2 đang xuống cấp, kính cửa sổ vỡ nham nhở, cửa chính bằng sắt đã “bốc hơi” từ lâu. Điểm trường ở làng Leng của xã này cũng trong tình trạng tương tự. Cửa nẻo cái mất, cái vỡ nham nhở gây nên một cảm giác vô cùng phản cảm…

img
Trường xây chồng trường ở làng Stơr (Tơ Tung).

Cách khu tưởng niệm Anh hùng Núp một quãng là điểm trường của làng Stơr. Hai dãy phòng học xây dựng năm 2002 với hàng trăm triệu đồng đã bị bỏ hoang, cửa nẻo bị tháo dỡ dù công trình vẫn còn sử dụng tốt nhiều năm nữa, cạnh đó là ngôi trường mới xây cho làng…

Rồi cách đây 2 năm, làng Brock được tách ra từ xã Tơ Tung để sáp nhập vào xã Đông. Cả làng hiện có hơn 40 học sinh mầm non và tiểu học. Mặc dù nằm cách trung tâm xã chưa đầy 3km nhưng năm 2006 làng đã được Nhà nước đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng một điểm trường kiên cố với 2 phòng học khang trang, nền lát gạch hoa, mái lợp tôn và đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.

Tuy nhiên chỉ sau đó 3 năm, làng Brock lại tiếp tục tiếp nhận hơn 300 triệu đồng tiền xây dựng trường mẫu giáo theo Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Có tiền, địa phương lập tức tiến hành xây dựng điểm trường mới cách điểm trường cũ chưa đầy 50m. Nhìn bên ngoài ngôi trường cũ vẫn còn tốt, tường vẫn vàng tươi, mái tôn còn nguyên sơn đỏ, thế nhưng cửa kính từ lâu đã bị vỡ, bên trong ngập ngụa rác thải...

Anh Nguyễn Danh Chiến, thợ sửa xe máy trước cổng cho biết: “Từ khi trường mới đưa vào sử dụng, trường cũ bị bỏ mặc cho thanh, thiếu niên trong làng làm nơi tụ tập, phá phách mà chẳng ai buồn quan tâm…

Quy hoạch trường theo ý... học sinh

Về việc nhiều nơi ở huyện Kbang xây trường chồng trường, cơ sở vật chất giáo dục thất thoát, hư hỏng, ông Nông Minh Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tơ Tung biện bạch: Do kinh phí dành cho các công trình này hạn chế nên chất lượng không được đảm bảo; ý thức của người dân địa phương chưa tốt nên xảy ra tình trạng phá phách, gây hư hại một số công trình trong thời gian qua. Riêng về điểm trường Lơng Khương, chúng tôi đã báo cáo với trên nhưng chưa có kinh phí sửa chữa.

img Việc xây dựng kiên cố hóa trường học theo Chương trình 135 không phải ngân sách của ngành giáo dục nên không thể nói rằng ngành lãng phí? img

Bà Vương Thị Hội

Điểm trường ở làng Stơr là do công tác quy hoạch không phù hợp dẫn đến việc xây trường chồng lấn lên nhau. Điểm trường làng Brock đã chuyển về xã Đông, có lẽ do thiếu học sinh nên bỏ hoang(?).

Còn bà Vương Thị Hội - Trưởng phòng GDĐT huyện Kbang thì lý giải: Trước đây theo chủ trương là xây dựng điểm trường tại các thôn, làng để học sinh khỏi phải đi xa. Giờ phụ huynh lại muốn con em họ về khu vực trường chính học.

Trước đây học sinh dân tộc không muốn về khu vực trung tâm học chung với học sinh người Kinh nhưng bây giờ các em đã hòa nhập được. Điều này cắt nghĩa vì sao phòng học lại thừa ra. Theo mức độ phát triển giáo dục là phải như vậy…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem