Gia Lai: “Làng đồn” "có da có thịt" nhờ một cách làm này thôi

Trần Hiền Thứ ba, ngày 03/09/2019 18:50 PM (GMT+7)
“Làng đồn” là cách gọi các làng căn cứ cách mạng ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai). Đây là các làng đặc biệt khó khăn, hạ tầng kém phát triển, người dân còn sản xuất và sinh hoạt theo tập quán lạc hậu… Nhưng các “làng đồn” đang dần đổi thay toàn diện từ một quyết sách. 
Bình luận 0

Quyết sách cho “làng đồn” 

Xã Chư A Thai có 4 làng đặc biệt khó khăn, gồm làng Pông, làng Kinh Pêng, làng Trớ và làng Hek. Trước đây các làng này đều là căn cứ kháng chiến. Điểm chung của các làng đồng bào dân tộc Ba Na này là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, người dân còn sản xuất và sinh hoạt theo tập quán lạc hậu, ô nhiễm môi trường, ở nông thôn mà không có rau xanh và cây ăn quả…

img

Những ngôi nhà khang trang ở các “làng đồn”. Ảnh:  T.H

Trước thực trạng trên, cuối năm 2016, Huyện ủy Phú Thiện đã ban hành đề án phát triển kinh tế - xã hội “4 làng đồn” (cách gọi các làng căn cứ cách mạng trước đây) nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, lựa chọn các loại cây trồng có năng suất cao… Đồng thời bố trí, quy hoạch lại dân cư, nhà ở, chuồng trại theo mô hình nhà vườn, hướng tới xây dựng làng kiểu mẫu.

Sau 3 năm thực hiện đề án, các làng đặc biệt khó khăn này đã chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Người dân được hỗ trợ phân bón, giống vật nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề nên hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, huyện đã triển khai mô hình cánh đồng mía lớn tại thôn Plei Pông có diện tích lên tới hơn 87ha với hộ 79 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, mở ra khả năng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Chị Đinh Bô (làng Hek) phấn khởi nói: “Trước đây gia đình mình chỉ trông chờ vào mấy sào lúa rẫy và mấy sào đất cằn trồng sắn nên thường xuyên thiếu ăn. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ đất sản xuất, hướng dẫn trồng lúa nước và các loại cây ngắn ngày khác thì thu nhập cao hơn nhiều. Nhiều hộ khác còn được cấp cấp bò, dê sinh sản để chăn nuôi nữa…”.

img

Các hộ dân trong làng đã có những bể nước sạch dành cho sinh hoạt.  Ảnh: T.H

Về hạ tầng, các làng được đầu tư giao thông, thủy lợi, bể nước sinh hoạt, điện thắp sáng các tuyến đường… nên thuận tiện hơn trong sản xuất và sinh hoạt. Trẻ em trong độ tuổi đi học được huy động đến trường đông đủ, trong đó có 12 em ở khu vực suối Cheng Leng được vận động về học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Nay Der.

Làng đẹp hơn, dân đổi đời

Theo lãnh đạo UBND xã Chư A Thai, hiệu quả lớn nhất của đề án là đã làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất và sinh hoạt của người dân 4 làng đồn. Người dân đã tổ chức phát quang, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa quanh hàng rào, trồng 613 trụ cột hàng rào với gần 3.000m lưới. Bên cạnh đó đã di dời, làm mới 137 chuồng, trại chăn nuôi trâu bò, không còn tình trạng nuôi bò dưới sàn nhà theo tập quán cũ. Cảnh quan môi trường nông thôn cũng sạch đẹp hơn với hơn 1.000 cây xanh, cây ăn quả được trồng tại các công trình công cộng, dọc các tuyến đường và xung quanh nhà ở của người dân…

Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Trung Toàn - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết: “Trước đây người dân các làng thường sống quanh nhà rông, đường đi lối lại không có, thậm chí trâu bò còn nhốt ngay dưới gầm sàn. Từ khi bắt tay vào việc xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự hiến đất làm đường, chuồng trại được xây cách xa với nhà ở. Khác với những tập quán canh tác lạc hậu trước đây khi còn ở trên núi, người dân đã thích ứng khá nhanh khi được chuyển về làng mới, biết trồng lúa nước thay cho lúa rẫy, biết nuôi bò, dê, trồng cây ăn quả và vườn rau sạch… Nhưng đây là mô hình khá mới, thu nhập của người dân lại thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc xây dựng các làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cần có thời gian, không phải một sớm, một chiều...”.

Từ khi bắt tay vào việc xây dựng nông thôn mới, người dân đã tự hiến đất làm đường, chuồng trại được xây cách xa với nhà ở. Khác với những tập quán canh tác lạc hậu trước đây khi còn ở trên núi, người dân đã thích ứng khá nhanh khi được chuyển về làng mới, biết trồng lúa nước thay cho lúa rẫy, biết nuôi bò, dê, trồng cây ăn quả và vườn rau sạch…”.

Ông Phùng Trung Toàn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem