Gia Lai: Trồng cà phê 4 chữ C, năng suất tăng, không lo ế

Thứ ba, ngày 09/04/2019 19:05 PM (GMT+7)
Sau 9 năm tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C với Công ty Nestle, các hộ dân ở xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tập quán canh tác để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Trà Đa, đồng thời là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C của xã Trà Đa-cho biết: Sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững do các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức, ông nhận thấy người dân phải thay đổi tập quán canh tác, phải sản xuất theo chuỗi để đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.

img

Từ khi tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Công Ích (thôn 4, xã Trà Đa) luôn đạt năng suất 4-6 tấn/ha. Ảnh: V.T

Vì vậy, ông Dũng đã đứng ra vận động các hộ dân trong xã tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Đến nay, sau 9 năm thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C của xã Trà Đa với Công ty Nestle đã có 76 hộ tham gia với diện tích hơn 112 ha (chiếm gần 50% diện tích cà phê toàn xã).

Là thành viên tham gia tổ hợp tác ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Công Ích (thôn 4) cho biết, gia đình ông có 3,3 ha cà phê trồng cách đây 25 năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cà phê bình quân đạt 4-5 tấn/ha, cao hơn 20-30% so với phương thức canh tác cũ.

“Trước kia, tôi sản xuất theo kiểu kinh nghiệm, cứ thấy kiến, rệp là mang bình đi xịt thuốc toàn bộ lô cà phê. Việc bón phân, tưới không đúng quy trình kỹ thuật, rồi dùng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan vừa tốn công, tốn tiền lại tác động xấu đến sức khỏe và môi trường xung quanh. Từ khi tham gia tổ hợp tác, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên nên tôi đã biết quy trình chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cân đối cho vườn cây...".

Nhờ canh tác cà phê theo 4C, gần chục năm nay, vườn cà phê của ông Ích gần như không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật mà cây vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao...

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Khảm (thôn 4) chỉ có 0,8 ha cà phê nhưng vụ vừa qua, ông thu về được gần 5 tấn. Ông Khảm cho biết, qua một thời gian tham gia tổ hợp tác, ông đã áp dụng quy trình kỹ thuật thành thạo để vườn cà phê phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, đảm bảo chất lượng hạt cà phê theo tiêu chuẩn. Không những thế, đầu ra sản phẩm cũng được bao tiêu ổn định với mức giá cam kết luôn cao hơn thị trường 100-500 đồng/kg.

Thật khó tin khi hầu hết các vườn cà phê tham gia tổ hợp tác đều được trồng từ năm 1995 nhưng vẫn luôn xanh mướt, năng suất vượt trội so những vườn sản xuất theo cách thông thường. Bằng chứng là vụ vừa rồi, dù bị mất mùa nhưng vườn cà phê của các hộ dân tham gia tổ hợp tác vẫn đạt năng suất 4-4,5 tấn/ha. Còn những năm được mùa, năng suất cà phê đạt đến gần 6 tấn/ha.

Tham gia tổ hợp tác, tất cả thành viên đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo bộ tiêu chuẩn 4C, từ quy trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch. Nhờ đó, cà phê sản xuất ra đều đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Hàng năm, Công ty Nestle đều tổ chức 2-4 lớp tập huấn cho thành viên của tổ hợp tác về kỹ thuật cắt cành, làm chồi, dọn vệ sinh vườn, quy trình tưới nước, bón phân, thu hoạch, bảo quản… Người dân có sổ nhật ký nông hộ do Công ty Nestle cấp để ghi chép cụ thể quá trình sản xuất của gia đình mình”.

Cũng theo ông Dũng, trước đây, người dân sản xuất theo kinh nghiệm, quen thu hái khi tỷ lệ chín chưa đạt yêu cầu nên năng suất, chất lượng hạt cà phê đạt thấp. Theo tính toán, cứ khoảng 1.200 quả cà phê xanh thì mới đạt trọng lượng 1 kg, trong khi chỉ khoảng 1.000 quả cà phê chín đã đạt 1 kg. Nay nhờ áp dụng đúng quy trình thu hái khi quả chín đều nên năng suất đạt cao hơn trước kia đến 20%, chất lượng cà phê nhân cao hơn, đạt yêu cầu của thị trường.

Nói về lợi ích khi tham gia tổ hợp tác trồng cà phê 4C, bà Nguyễn Thị Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Đa-cho biết: “Tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, bà con nông dân được tập huấn về kỹ thuật sản xuất, được chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất cà phê đạt cao, chất lượng cà phê đảm bảo theo yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các thành viên còn được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, được hỗ trợ về giá nên rất yên tâm. Trên cơ sở tổ hợp tác, xã định hướng sẽ nâng lên thành lập hợp tác xã để tiếp tục vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập”.

Vũ Thảo (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem