Nhằm hỗ trợ các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Gia Lâm đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa, đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh mương cấp III với tổng vốn gần 78 tỷ đồng.
Nghề trồng rau an toàn mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Đăng Hải
Đáng chú ý, để nâng cao giá trị vùng trồng cây ăn quả, huyện Gia Lâm đã tổ chức lập hồ sơ đăng ký chứng nhận và cấp chứng nhận sản xuất an toàn cho hơn 27ha vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã Kiêu Kỵ, Kim Sơn. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ các xã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của từng địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết để tạo đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Gia Lâm luôn coi trọng công tác quy hoạch và dự báo thị trường, từ đó xác định quy mô, loại cây trồng chuyển đổi cho phù hợp căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
"Thời gian tới, Gia Lâm tiếp tục phát triển các vùng sản xuất sau chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tập trung các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 1.600ha lúa chất lượng cao, 1.500ha cây ăn quả, 70ha hoa, 450ha rau an toàn" - ông Thuần khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.