Thấy chúng tôi trố mắt nhìn, ông Hồ Văn Ba – Phó Chủ tịch UBND xã Linh Thượng giải thích: Thôn Đồng Dôn có 75 hộ, chủ yếu là người Vân Kiều sinh sống. Chỉ 5 năm về trước, người dân ở đây còn mang nhiều gánh nặng hủ tục lạc hậu trên vai khiến họ nghèo đến mức tàn tạ. Hễ có đau ốm bệnh tật gì họ đều mời thầy mo đến cúng, tiêu tốn không biết bao nhiêu là lễ vật, gà vịt, trâu bò..., vậy mà bệnh tật chẳng thấy lành, còn đau nặng hơn, khiến nhiều người phải chết.
Rồi việc sinh đẻ không có kế hoạch, vì nhà nào cũng gắng cho được 7-8 người con, có nhà trên 10 người con vẫn chưa dừng lại, vì họ quan niệm “đông con hơn đông của” và “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Nhà đông con nhưng không có cái ăn dẫn đến đau ốm, bệnh tật, từ đó chữa bệnh bằng cúng bái, tốn tiền hại thân, sinh ra nghèo đói. Vòng luẩn quẩn đó cứ đeo bám bà con. 5 năm trở về trước, hộ nghèo của thôn chiếm trên 80%. Tỷ lệ trẻ em đến trường rất thấp.
Già làng Hồ Sỹ Đa giảng giải cho chị Hồ Thị Sim (giữa) và chị Hồ Thị Nam việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình là rất có lợi. Ảnh: N.V
“Chị em họ ngại nói mấy chuyện tế nhị, nhất là việc dùng các biện pháp tránh thai như bao cao su, thuốc tránh thai hay đặt vòng… Có chị em thấy tôi đem bao cao su ra giới thiệu là bỏ chạy, la hét” – ông Đa chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng ông Đa vẫn kiên trì tuyên truyền, vận động theo cách “mưa dầm thấm đất”. Và nay, người dân Đồng Dôn đã nói không với hủ tục, cúng bái lạc hậu. Mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con. Ai đau ốm, sinh đẻ đều đến bệnh viện, trạm xá. Trẻ em được đi học đàng hoàng. Chỉ trong 5 năm, Đồng Dôn với 75 hộ đã có trên 10 em học đại học, 2 thạc sĩ.
Ông Đa còn vận động, chỉ dẫn cho bà con biết tăng năng suất cây lúa nước, khai hoang đất hoang trồng sắn, cao su, hồ tiêu, và trồng rừng để phát triển kinh tế. “Già làng Hồ Sỹ Đa là cây đại thụ trong lòng người dân thôn Đồng Dôn chúng tôi. Nhờ già làng mà người dân tiếp cận được thế giới văn minh, hiện đại, không còn u muội với hủ tục, không đẻ nhiều con để chịu khổ nữa” – ông Hồ Văn Ba nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.