Giá lợn hơi chạm đáy sau gần 2 năm, bán 1 con lợn người dân lỗ 2 triệu đồng
Giá lợn hơi "chạm đáy" sau gần 2 năm, bán 1 con lợn người dân lỗ 2 triệu đồng
Bình Minh
Thứ năm, ngày 21/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Giá lợn hơi ghi nhận tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) và Phú Xuyên (Hà Nội) ngày 21/10 đang chỉ ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 10/2021.
Nếu như đầu tháng 10, giá lợn hơi tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) và Phú Xuyên (Hà Nội) dao động ở mức 37.000 - 40.000 đồng/kg thì nay giá lợn hơi đã giảm xuống còn 34.000 - 35.000 đồng/kg.
Chia sẻ với Dân Việt, chủ một số trang trại cho biết, 1 tháng họ xuất chuồng từ 50 - 60 con, với giá lợn hơi thấp như hiện nay thì sẽ thua lỗ từ 90 - 100 triệu đồng.
Tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), kể từ tháng 8 đến nay, đã hơn 60 ngày trôi qua chị Hoàng Thị Thanh ở hẳn tại lại trang trại, cùng ăn, ngủ để bảo vệ đàn lợn 200 con. Chị bảo "nhiệm vụ quan trọng lúc này là giữ an toàn tuyệt đối cho đàn lợn trước sự xâm nhập của dịch tả lợn châu Phi".
Khi tôi đến, dòng chữ in đậm trên tấm tôn chắn trước cửa trại nổi bật với dòng chữ "không phận sự miễn vào". Cả trang trại được quây tôn chắn, tựa như một lô cốt cách biệt hoàn toàn với bên ngoài.
Gia đình chị Thanh là hộ chăn nuôi lợn lớn nhất xã Hồng Thái với 2 trại lợn, tổng đàn 60 lợn nái và 300 lợn thịt.
Năm 2019, trang trại của chị Thanh bị dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy 65 con lợn nái, đực và 180 con lợn thịt. Tổng trọng lượng hơn 7 tấn.
Tuy nhiên với việc vẫn duy trì được đàn nái, nên quy mô đàn lợn hàng trăm con của gia đình chị Thanh đã nhanh chóng được khôi phục trở lại.
Ở một mình trong trại, tất cả các công việc từ cho ăn, tắm, tiêm vaccine cho lợn đều được chị vận hành thuần thục, chăm sóc cẩn thận như chăm con mọn. Nhà chị Thanh chỉ cách trại lợn vài trăm mét, hàng ngày người thân trong nhà vẫn treo đồ ăn trên cánh cửa để gửi vào bên trong.
Trại lợn mà chị Thanh đang "cố thủ" bên trong có 60 lợn nái và 200 lợn thịt. Chị Thanh chia sẻ: "Từ đầu tháng 10 giá lợn hơi giảm mạnh, biết chắc là sẽ thua lỗ nhưng cũng còn hơn là để đàn lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi".
Để trò chuyện, tôi và chị Thanh đứng cách nhau 5 mét, chị cho biết, mỗi tháng trang trại xuất bán 50 - 70 con lợn. Lứa bán gần nhất là đầu tháng 10 với 30 con, giá 40.000 đồng/kg. Chỉ sau vài ngày, chị xuất tiếp 30 con nhưng chỉ được giá 38.000 đồng/kg.
Và đến ngày hôm qua (20/10), lái lợn tại chợ đầu mối Bình Lục (Hà Nam) điện thoại thông báo, giá lợn hơi tiếp tục giảm xuống chỉ còn 35.000 - 36.000 đồng/kg (đối với lợn đẹp).
Theo chị Thanh, từ đầu năm 2021 đến nay, các hộ chăn nuôi lợn như chị đang phải gồng mình chịu đựng sự khốc liệt đến từ dịch Covid-19, rồi giá cám tăng đến 9 lần (tăng 90.000 đồng/bao), dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại ở nhiều nơi, rồi nay lại đến giá lợn hơi thấp nhất sau gần 2 năm. Tất cả khó khăn đều cộng dồn lại, nằm ngoài suy tính của chị.
Việc duy nhất chị Thanh có thể làm lúc này là xây dựng vững chắc "vùng" an toàn cho trang trại, biến nó thành lô cốt, pháo đài để giữ an toàn bằng được cho đàn lợn.
"Dịch Covid-19 làm tất cả đều chậm lại, nông sản khó tiêu thụ, thịt lợn cũng không nằm ngoài những khó khăn đó. Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, các tỉnh thực hiện lệnh giãn cách xã hội thì cũng đúng lúc người dân vào đàn lợn mới. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, dỡ bỏ lệnh giãn cách là thời điểm lợn đến kỳ xuất bán. Điều này dẫn đến nguồn cung dư thừa, kéo giá lợn hơi giảm mạnh", chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh cho biết, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi đã lên mức 65.000 đồng/kg (chưa tính tiền điện, thuốc men). Trong khi giá lợn hơi hiện tại chỉ 34.000 - 35.000 đồng/kg thì mỗi con lợn (trọng lượng 125kg), chị sẽ bị thua lỗ khoảng 2 triệu đồng.
Thịt lợn tại chợ cao vì phải qua tay 5 - 6 cầu
Tại xã Long Hưng, huyện Văn Giang (Hưng Yên), chị Nguyễn Thị Hương cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, biểu đồ giá lợn hơi tăng, giảm, biến động như hình sind.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Hương cho biết, gia đình chị đã chăn nuôi lợn được gần 20 năm. Tất cả các chi phí đầu vào, kỹ thuật nuôi, thị trường biến động ra sao đều được chị ghi lại cẩn thận trong cuốn sổ nhỏ.
Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, chị Hương cũng vui vẻ chia sẻ với tôi khi năm 2020 gia đình chị đã lãi 6 tỷ đồng từ chăn nuôi lợn.
"Sau nhiều năm thua lỗ, năm ngoái gia đình tôi mới có lãi nhiều đến vậy. Đây là thành quả, công sức xứng đáng sau nhiều năm làm nghề này", chị Hương bộc bạch.
Với 6 tỷ tiền lãi, gia đình chị Hương xây được ngôi nhà mới trị giá 2 tỷ, tậu thêm mảnh đất 3 tỷ và mua xe ô tô gần 1 tỷ.
Bước sang năm 2021, gia đình chị Hương duy trì đàn lợn nái 40 con, lợn thịt 380 con. Với cách chăn nuôi bài bản, an toàn sinh học nên dịch lở mồm long móng hay dịch tả lợn châu Phi không dám "bén mảng" đến trại.
Do chủ động được nguồn con giống nên mỗi tháng, trang trại của chị Hương xuất chuồng khoảng 60 con.
Nói về giá lợn hơi đang xuống thấp như hiện nay, chia Hương cho rằng, đây cũng là quy luật cung - cầu, khi dịch Covid-19 ập tới, nhà hàng, quán án, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động. Trong khi các hộ chăn nuôi như gia đình chị vẫn tái đàn, vào đàn dẫn đến nguồn cung đang dư thừa.
Tháng 2/2021 chị Hương xuất bán lợn với giá 76.000 đồng/kg; đến tháng 7 giá giảm xuống 62.000 đồng/kg và mới đây nhất là vào ngày 9/10, chị Hương xuất bán 30 con lợn chỉ với giá 37.000 đồng/kg.
"Xuất bán lứa lợn 30 con với giá 37.000 đồng, tôi đã thua lỗ 39 triệu đồng", chị Hương nói.
Dự kiến, ngày 25/10 tới, trang trại của chị Hương tiếp tục xuất bán 32 con, trọng lượng 1,2 tạ/con. Nhưng khi gọi điện cho "cò" lợn thì chị được thông báo, giá lợn tiếp tục giảm xuống 34.000 đồng/kg.
Với đàn lợn trên 400 con như hiện nay, mỗi ngày trang trại của chị Hương sử dụng hết 30 bao cám, 1 tháng chi gần 300 triệu đồng tiền cám, tiền thuốc (vaccine, sát trùng) 23 triệu đồng, tiền điện 12 triệu đồng.
Mặc dù giá lợn hơi đang chạm đáy sau gần 2 năm nhưng chia sẻ với Dân Việt, chị Hương vẫn lạc quan, không nao núng. "Thị trường có lúc này, lúc khác, lúc lên, lúc xuống. Bởi vậy, giá lợn hơi có giảm mạnh như hiện nay thì cũng phải chấp nhận vào quy luật thị trường".
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề chăn nuôi lợn, nên chị Hương cho rằng, lợn khi xuất chuồng thì phải qua 5 - 6 khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Bắt đầu từ "cò" lợn, sau đó đến thương lái, tiếp đó đến các lò mổ, rồi sau đó đến các đội thu mua lợn móc hàm về pha lóc, cuối cùng đến tiểu thương bán thịt tại các chợ. Chính điều này dẫn đến nghịch lý giá lợn hơi thấp nhưng giá thịt lợn tại chợ vẫn cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.