Làng cổ của dân tộc Nùng ở tỉnh Lạng Sơn có lũy đá dài 1.000m độc nhất vô nhị
Lạng Sơn: Làng cổ của dân tộc Nùng nơi biên ải với bức tường đá chống phỉ độc nhất vô nhị ở Việt Nam
Gia Tưởng
Thứ hai, ngày 20/09/2021 05:30 AM (GMT+7)
Nằm ẩn sâu nơi biên giới tỉnh Lạng Sơn là làng đá Thạch Khuyên thuộc xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Làng đá Thạch Khuyên không những là một pháo đài chống phỉ ở vùng biên ải hàng trăm năm qua, mà còn là ngôi làng vô cùng độc đáo, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.
Clip: Ông Tàng Văn Hảo (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) nói về sự ra đời của làng đá Thạch Khuyên.
Làng đá chống phỉ
Từ TP Lạng Sơn đến làng đá Thạch Khuyên (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) theo tỉnh lộ 235. Con đường nát nhừ, vô số ổ voi, ổ trâu, như bị Lạng Sơn bỏ quên lâu lắm rồi. Lái xe vào Thạch Khuyên chỉ có thể đi với tốc độ rùa bò, thỉnh thoảng phải dừng lại để tránh nhau khi gặp xe đi ngược chiều.
Sau nhiều giờ, phóng viên cũng tìm được đến làng đá Thạch Khuyên-ngôi làng cổ ở vùng biên giới với nhiều trầm tích của lịch sử văn hóa.
Ông Tàng Văn Hảo, Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ chia sẻ: "Tôi được nghe bố mình kể lại, trước kia, thôn của của chúng tôi, người dân chịu khó làm ăn. Xung quanh làng là đồng ruộng tốt, thóc ngô nhiều, bà con chăn nuôi mát tay nên trâu, lợn, gà, dê trong làng cũng nhiều lắm, xóm làng sung túc bình yên".
Do có của ăn của để, nhiều nhóm phỉ ở bên kia biên giới thường xuyên tập kích vào làng để cướp bóc. Đến năm 1850, có một người cai quản làng tên Vi Linh Xương, đã quyết định xây một lũy đá bao quanh làng, nhằm bảo vệ dân làng trước sự tấn công của bọn phỉ.
Năm 1854, sau 4 năm thi công ròng rã, với sự tham gia của hàng trăm lượt dân công, công trình lũy đá bảo vệ làng Thạch Khuyên cũng đã hoàn thành.
"Làng của chúng tôi có tên là Thạch Khuyên từ đó. 'Thạch' có nghĩa là đá, 'khuyên' có nghĩa là vòng tròn, bức tường đá vòng tròn quanh làng, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân", ông Tàng Văn Hảo chia sẻ.
Ông Hảo cho biết thêm, tường đá có móng rộng 3m, chiều cao 5m. Bên trên mặt tường, người dân có thể đi tuần được. Đỉnh cao nhất được rào bằng gai tre, gai bồ kết, ngăn không cho phỉ trèo lên.
Ngoài ra, trên tường thành còn chuẩn bị nhiều đống đá to bằng củ đậu, hoặc bằng quả bưởi, quả dưa hấu. Nếu gặp phỉ tấn công, bà con dân làng sẽ dùng đá đó để ném.
Kết cấu của những bức tường đá ở Thạch Khuyên cũng rất lạ. Những người xây dựng chỉ dùng những viên đá mồ côi xếp chồng lên nhau, không sử dụng bất cứ vật liệu kết dính nào.
Có những viên đá lớn, to như cái thúng, to như con bò, cũng có những viên đá nhỏ chỉ bằng cái mũ trẻ con. Tổng thể chiều dài của vòng tròn tường đá là hơn 1.000m.
"Từ năm 1854 khi xây xong tường đá quanh làng, lũ phỉ cũng nhiều lần tấn công. Tuy nhiên, chúng đều bó tay trước bức tường đá kiên cố cùng sự quyết tâm chống trả để bảo vệ tài sản của dân làng," nhìn những chứng tích của bức tường đá còn sót lại ngay trước cửa nhà mình, ông Hảo nói.
Lũy đá đang xuống cấp
Theo những cụ cao niên ở làng đá Thạch Khuyên, công trình lũy đá được bảo tồn gần như nguyên trạng. Đến năm 1949, khi khu vực Ba Sơn được Đội du kích Ba Sơn giải phóng, cuộc sống của người dân yên ổn, không lo bị phỉ tấn công nữa.
Từ đó, bà con trong làng bắt đầu lấy đá ở tường rào về để xây nhà, xây chuồng trại. Tường đá không được duy tu bảo dưỡng nên xuống cấp dần theo năm tháng.
Thôn Thạch Khuyên hiện nay có 115 hộ dân với 532 nhân khẩu, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, chiếm 60% số dân của cả thôn. Toàn thôn hiện còn 18 ngôi nhà trình tường và một số đoạn tường rào bằng đá người dân vẫn đang sử dụng.
Hằng năm, xã Xuất Lễ đều tổ chức tuyên truyền, động viên đến người dân về việc gìn giữ vệ sinh môi trường, vận động các gia đình xếp những viên đá mới thay thế viên đá cũ hỏng.
Tuy nhiên, vẻ đẹp của làng đá Thạch Khuyên đang đứng trước nguy cơ "mai một" vì tốc độ bê tông hóa theo nhu cầu phát triển kinh tế và nhà ở của dân làng.
Anh Lương Văn Bạc, công chức văn hóa xã Xuất Lễ cho biết, do nguồn lực của xã hạn hẹp, làng đá Thạch Khuyên vẫn chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo tồn và phát huy giá trị làng đá cổ rất khó khăn.
"Bên cạnh đó, các ngôi nhà trình tường cổ cùng các công trình bằng đá là sở hữu của các gia đình. Họ có quyền sửa chữa, cải tạo để đảm bảo điều kiện cư trú. Do đó, chúng tôi cũng khó vận động họ giữ lại", anh Bạc chia sẻ.
Thời gian qua, UBND huyện Cao Lộc đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát để xem xét, nghiên cứu khai thác tiềm năng du lịch tại làng đá Thạch Khuyên.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã giới thiệu kết nối làng đá Thạch Khuyên với các điểm du lịch khác trong huyện, giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, kế hoạch đã hình thành ý tưởng xây dựng kế hoạch về bảo tồn và phát huy "Làng phòng thủ, nhà pháo đài – Làng đá Thạch Khuyên".
Anh Bạc cho biết thêm: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan làng đá; tham mưu cho huyện để có những chính sách, giải pháp bảo tồn những ngôi nhà cổ. Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân địa phương có ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản quý báu đó".
Những ngôi nhà trình tường và các công trình bằng đá đã tồn tại, chở che các thế hệ người dân Thạch Khuyên qua thăng trầm lịch sử.
Đây là nguồn tài nguyên văn hóa quý giá để huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung khai thác, phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Điều này chắc chắc sẽ có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Do vậy, việc bảo tồn, phục dựng làng đá Thạch Khuyên để tạo ra một điểm nhấn như là một sản phẩm du lịch ấn tượng ở vùng biên ải cần sớm được quan tâm và đầu tư bài bản, trong đó có nguồn lực đầu tư của nhà nước và huy động nguồn lực từ chính người dân làng Thạch Khuyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.