Giá máy tính cá nhân vẫn tăng dù doanh số bán hàng sụt giảm
Giá máy tính cá nhân vẫn tăng dù doanh số bán hàng sụt giảm
Thứ bảy, ngày 27/08/2022 07:43 AM (GMT+7)
Giám đốc nghiên cứu tại Gartner nhận định để duy trì biên lợi nhuận trong thời kỳ lạm phát, các nhà sản xuất PC sẽ phải tăng giá bán với lý do tính năng được nâng cao, bất chấp nhu cầu bị giảm đi.
Dự báo về thị trường máy tính cá nhân (PC) trong thời gian tới, nhật báo Le Figaro cho rằng việc đồng euro giảm giá so với đồng USD đang đẩy giá PC tại châu Âu tăng lên, trong khi doanh số bán hàng toàn cầu lại giảm.
Trong quý 2/2022, theo Gartner, doanh số bán PC đã giảm 12,6% trên toàn thế giới, tương đương với 10 triệu PC đã không được bán ra thị trường trong vòng một năm qua.
Sự sụt giảm này ở châu Âu và Mỹ thậm chí còn mạnh hơn, với doanh số bán hàng lần lượt giảm 18% và 17,5%.
Hiện tượng bất thường này đang làm khó các nhà dự báo. Trước đó, các nhà phân tích, nhà sản xuất và nhà thầu phụ đều tỏ ra lạc quan cho năm 2022, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng vững chắc trong năm 2020 và 2021, thời kỳ đại dịch bùng nổ, thời điểm mà khoảng 320 -340 triệu thiết bị PC đã được bán ra.
Nhu cầu khi đó được thúc đẩy bởi các công ty và người tiêu dùng quan tâm đến việc trang bị cho mình PC để làm việc từ xa, giải trí tại nhà, vui chơi, học tập...
Sự phát triển này đánh dấu một sự thay đổi về quy mô, với việc chuyển từ nhu cầu một máy tính cho mỗi hộ gia đình sang một máy tính cho mỗi người. Nhưng sự bùng nổ này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Từ đầu năm 2022, tình hình đã thay đổi 180 độ. Doanh số bán hàng bắt đầu giảm. Người tiêu dùng, được giải phóng khỏi những ràng buộc hạn chế đi lại, đã ưu tiên chi tiêu cho việc giải trí và nghỉ mát hơn là chi tiêu cho công nghệ thông tin.
Angelo d’Ambrosio, Tổng giám đốc Acer France, nhận xét : "Với sự trở lại của lạm phát và sức mua sụt giảm, việc mua một chiếc PC mới không còn được ưu tiên."
Để bảo vệ ví tiền của mình và môi trường, người tiêu dùng và doanh nghiệp có xu hướng giữ máy tính của họ để sử dụng lâu hơn và chuyển sang thị trường tân trang.
Tại Mỹ, thời gian sở hữu một máy tính trung bình là dưới 6 năm vào năm 2018, hiện đã là 7,7 năm và dự kiến sẽ tăng lên 8,13 năm vào năm 2025.
Thêm vào đó, việc tăng giá các sản phẩm máy tính càng làm giảm sự nhiệt tình của khách hàng tiềm năng. Giá tăng đột biến trước tiên là do khó khăn về nguồn cung chất bán dẫn, giá nguyên liệu thô tăng và chi phí logistics tăng cao.
Những căng thẳng này còn chưa kết thúc thì tuần trước, lại có thêm một đòn giáng mạnh vào thị trường công nghệ với quyết định của chính phủ Trung Quốc ra lệnh đóng cửa các nhà máy ở Tứ Xuyên trong 5 ngày, nơi hạn hán đang làm giảm sản lượng thủy điện.
Trong khi đó, một phần lớn pin đang sử dụng trên thế giới được sản xuất từ chính từ khu vực này, đặc biệt là pin của máy tính.
Các thương hiệu hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự trượt giá của đồng euro so với đồng USD. Giá trị đồng tiền châu Âu càng giảm thì giá của những hàng hóa này, thường được tính bằng đồng USD sẽ càng tăng.
Sự kết hợp của tất cả các yếu tố này tác động đến một loạt các nhãn mác trên kệ. HP, thương hiệu số hai thế giới và dẫn đầu ở châu Âu, đã "thông báo về việc tăng giá mới cho các sản phẩm của mình."
Tập đoàn giải thích "các điều chỉnh được thực hiện theo điều kiện thị trường và bối cảnh quốc tế."
Mikako Kitagawa, Giám đốc nghiên cứu tại Gartner, nhận định rằng: "Để duy trì biên lợi nhuận của họ trong thời kỳ lạm phát, các nhà sản xuất PC sẽ phải tăng giá bán của họ, bất chấp nhu cầu bị giảm đi."
Việc tăng giá trung bình của một máy tính, tăng từ 390 USD lên 401 USD, được nhấn mạnh bởi yêu cầu tính năng được nâng cao.
Máy tính dành cho "game thủ", được trang bị bộ vi xử lý thế hệ mới nhất và các card đồ họa công suất cao khác, đang bị trượt giá do chi phí sản xuất các linh kiện của chúng tăng lên.
Hầu hết các nhà sản xuất PC bị cuốn vào cuộc đua về tính năng này. Angelo d’Ambrosio phân tích "người mua đang chuyển sang sử dụng các thiết bị phù hợp hơn với nhu cầu của họ. Họ tham gia hội nghị truyền hình nhiều hơn, làm việc tại nhà nhiều hơn. Điều này dẫn đến cần có những chiếc PC có công suất lớn hơn, màn hình, camera, micrô chất lượng tốt hơn."
Apple là người chiến thắng trong việc đáp ứng các nhu cầu này của khách hàng nhưng với mức giá không hề rẻ: hơn 1.000 euro/sản phẩm.
Một chuyên gia trong ngành cho biết :"Khách hàng đã phản hồi rất tích cực đối với chip mới của Apple."
Thương hiệu Apple đã có doanh số bán hàng của mình tăng 9,3%, đạt 8,8% thị trường thế giới. Trong khi đó tất cả các đối thủ lớn của nó đang mất dần vị thế, HP thậm chí còn công bố doanh số bán hàng sụt giảm 27,5% trong ba tháng vừa qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.