Giá mít Thái giảm kỷ lục: Hệ lụy đã được cảnh báo trước, nguyên nhân sâu xa là gì?

Thiên Hương Chủ nhật, ngày 20/06/2021 05:30 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, câu chuyện mà nông dân quan tâm tại các địa phương có diện tích trồng mít lớn đều xoay quanh việc mít liên tục rớt giá và hiện đang ở mức thấp chưa từng có.
Bình luận 0

Giá mít Thái giảm sâu chưa từng có

Cụ thể, giá mít Thái bán tại vườn hiện chỉ còn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, mít lá bàng chỉ còn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. 

Theo một số doanh nghiệp thu mua, giá mít giảm sâu vì hiện cây trồng này đang vào chính vụ, sản lượng thu hoạch lớn ngay thời điểm thị trường xuất khẩu bị đình đốn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là vài năm trở lại đây, diện tích mít tăng quá nhanh, trong khi thị trường tiêu thụ mặt hàng này lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nên đầu ra bấp bênh.

gop/Hệ lụy đã được cảnh báo trước  - Ảnh 1.

Thương lái thu mua mít Thái siêu sớm tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: T.Đ

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam, cho rằng, gần đây Việt Nam gia tăng diện tích mít quá nhanh, không chỉ ở miền Tây mà cả miền Đông, Tây Nguyên cũng trồng nhiều mít, trong khi tiêu thụ phụ thuộc Trung Quốc. 

Trong khi đó, mùa hè tại Trung Quốc cũng có nhiều loại trái cây nên nhu cầu nhập khẩu mít giảm đi. Vinamit đang xúc tiến xuất khẩu sang EU nhưng bị vướng thời gian vận chuyển quá dài. Do đó, bà con nên cân nhắc việc mở rộng diện tích trồng mít khi thị trường chưa mở rộng kịp.

Có góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, Đồng Nai) cho rằng, trái mít có nhiều lợi thế hơn hẳn các mặt hàng trái cây tươi khác vì đã được đưa vào chế biến. 

Mít là loại cây trồng đặc trưng của vùng nhiệt đới nên không phải nước nào cũng trồng được phổ biến như ở nước ta.

Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ mít còn rất lớn, vì rất giàu dinh dưỡng, được cả thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến cần có nguồn nguyên liệu chất lượng tốt với giá ổn định. Nhất là bà con nông dân, không nên chạy theo phong trào trồng mít ồ ạt với kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận khủng mà nên tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến để có đầu ra ổn định, bền vững.

Hệ luỵ đã được cảnh báo trước

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, giá mít Thái giảm mạnh thời gian gần đây một phần do diện tích trồng mít tăng quá nhanh, sản lượng tăng cao, một phần do tiêu thụ khó khăn vì dịch Covid-19. Nhưng sự biến động của thị trường là chuyện thường xuyên xảy ra, ngay cả những nước có nền sản xuất tiên tiến, hiện đại hơn cũng không tránh được.

Tuy nhiên, đây không phải là chuyện mới, thực tế chúng ta đã cảnh báo hệ lụy này từ 2-3 năm trước. Đó là hậu quả mà ai cũng có thể nhìn thấy được, không riêng gì với cây mít, mà bất cứ loài cây - con gì khi nuôi trồng ồ ạt, tăng diện tích mất kiểm soát, trong khi thị trường không mở rộng kịp thì giá giảm là điều khó tránh.

"Điều chúng ta cần làm hiện nay là tăng cường sản phẩm chế biến, sản phẩm chuyên sâu - đó là lĩnh vực từ trước tới nay ít được quan tâm đầu tư. Việc này phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp" - ông Tùng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem