Giá một thứ quả người Trung Quốc ưa chuộng tăng 35% do thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam

K.Nguyên Thứ bảy, ngày 15/01/2022 11:45 AM (GMT+7)
Theo freshplaza.com, giá các loại trái cây nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh do nguồn cung bị hạn chế, trong đó, giá thanh long, giá chuối đều tăng.
Bình luận 0

Giá chuối, thanh long tại Trung Quốc tăng mạnh

Theo freshplaza.com, giá nhiều loại trái cây nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc đã tăng chóng mặt trong bối cảnh Trung Quốc đang trong mùa cao điểm mua bán trái cây trước lễ hội mùa xuân.

Trong đó, giá các loại trái cây nhập khẩu tại Trung Quốc như cherry thời điểm này đang đắt hơn cùng kỳ  năm ngoái gần 20%, giá chuối cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 35%. 

Do thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam, giá thanh long tại Trung Quốc lên đến 10-12 nhân dân tệ/kg, tương đương 35.642- 42.770 đồng/kg, cao hơn 2 nhân dân tệ/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam là một trong những nguồn cung trái cây tươi quan trọng của Trung Quốc, trong đó, 90% sản lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam tìm đến thị trường Trung Quốc.

Thanh long cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt 837 triệu USD.

Giá một thứ quả người Trung Quốc ưa chuộng tăng 35% do thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam - Ảnh 1.

Do thiếu nguồn cung từ Việt Nam, giá nhiều loại trái cây, trong đó có chuối, thanh long tại Trung Quốc tăng mạnh. Trong ảnh: Nông dân Gia Lai chăm sóc chuối. Ảnh: Báo Gia Lai.

Trong khi đó, xuất khẩu chuối của Việt Nam đạt khoảng 217 triệu USD trong năm 2021, tăng 46% so với năm 2020, Trung Quốc là thị trường thu mua nhiều chuối nhất của Việt Nam.

Có những thời điểm như tháng 4/2012, lượng chuối từ Việt Nam chiếm đến 42% tổng lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc.

Cụ thể, trong tháng 4/2021, nhập khẩu chuối của Trung Quốc đạt 226.300 tấn, trị giá 120 triệu USD, giá nhập khẩu bình quân đạt 540,21 USD/tấn.

Tín hiệu vui, xuất khẩu rau quả chế biến sang Trung Quốc tăng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 12/2021 ước đạt 270 triệu USD.

Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 3,52 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong quý III/2021, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả ở mức cao trong nửa đầu năm 2021 đã góp phần thúc đẩy ngành hàng rau tăng trưởng khá trong năm 2021. 

Giá một thứ quả người Trung Quốc ưa chuộng tăng 35% do thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam - Ảnh 2.

Sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Trung Quốc, đạt 225,6 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020.

Có một tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ rau quả chế biến xuất khẩu đã tăng. Cụ thể, quả tươi chiếm 66,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 11 tháng năm 2021.

Trong khi đó, sản phẩm rau quả chế biến chiếm 25,6%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm rau quả chế biến luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

 Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 831,2 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Trung Quốc, đạt 225,6 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của nước này trong tháng 11/2021 đạt 211,86 triệu USD, tăng 31,7% so với tháng 11/2020.

Trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Trung Quốc đạt 1,48 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Mỹ và Việt Nam là 2 thị trường cung cấp lớn nhất chủng loại hàng rau quả chế biến cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021. 

Trung Quốc nhập khẩu rau quả chế biến từ Mỹ đạt 278 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 213 triệu USD, tăng 34,9%; tỷ trọng nhập khẩu từ 2 thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, để đẩy mạnh tỷ lệ rau quả chế biến, cần cải tổ thể chế liên quan tới chế biến, từ Luật Trồng trọt, đến mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. 

"Hiện, Bộ NNPTNT đã xây dựng đề án chế biến gồm 13 lĩnh vực, cũng như đề án riêng cho rau, củ quả. Các doanh nghiệp chế biến rau, quả trên toàn quốc đã được công khai" - ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, cần liên kết chặt chẽ các đơn vị trong chuỗi giá trị, từ người nông dân, chính quyền địa phương. Những mô hình tốt như Đồng Giao, Nafoods… cần được tuyên truyền, nhân rộng tại nhiều địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem