Người dân chăm sóc hồ tiêu trên cây trụ sống. Ảnh: T.L
Nhiều áp lực lên mặt hàng hồ tiêu Việt Nam
Về nguyên nhân cụ thể khiến giá hồ tiêu liên tục giảm sốc, VPA cho rằng từ cuối năm 2016, giới kinh doanh hồ tiêu thế giới đã nhận định niên vụ 2016 – 2017 Việt Nam được mùa hồ tiêu lớn nhất, sản lượng tăng cao nên nhiều khách hàng nước ngoài đã gây áp lực, hạn chế mua vào nhằm ép giá hồ tiêu.
Thực tế, theo ước tính của VPA, sản lượng tiêu của Việt Nam năm nay đạt khoảng 200.000 tấn, tăng gần 30.000 tấn so với vụ trước. Đáng chú ý là tại thị trường hồ tiêu trong nước mới đây cũng đã xuất hiện một lượng hồ tiêu khá lớn có nguồn gốc từ Campuchia mang về, khiến nguồn cung vốn đã dồi dào lại càng nhiều hơn.
Ở phạm vi toàn cầu, năm nay Ấn Độ và Brazil cũng tăng sản lượng hồ tiêu. Cụ thể, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) dự đoán, sản lượng tiêu toàn cầu năm 2017 sẽ tăng lên 418.604 tấn (năm 2016 là 397.153 tấn). Trong đó, sản lượng tiêu năm nay của Ấn Độ ước tăng lên 55.500 tấn từ 48.500 tấn của năm ngoái, với nhu cầu tiêu thụ ước tăng lên 51.500 tấn.
Sản lượng hồ tiêu của Brazil cũng tăng cao hơn năm trước khoảng 10.000 tấn. Cùng với đó là 10.000 tấn hồ tiêu của Campuchia - một nước mới gia nhập thị trường hồ tiêu thế giới.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA cho biết, theo quy luật nhiều năm, tháng 5-6 là thời điểm các nước giảm giao dịch, đăc biệt là khu vực các nước Hồi giáo, do vậy lượng hồ tiêu xuất khẩu có thể chậm lại. Các nhà thu mua hầu hết chỉ thực hiện các hợp đồng đã ký nên lượng mua nhập kho có thể giảm.
“Điều này sẽ khiến giá hồ tiêu trong nước khó có khả năng bật dậy trong quý 2. Tuy nhiên, bức tranh dài hạn cung cầu mặt hàng “vua của các loại gia vị” này có thể không như nhìn nhận tại thời điểm hiện nay, nghĩa là giá sẽ không tăng mạnh trở lại, song cũng khó có thể giảm sâu hơn nữa. Hiện nguồn cung ra thị trường đang hạn chế do nông dân đã găm hàng lại, vì thế các công ty muốn mua tiêu để xuất khẩu không có hàng để mua" - bà Oanh nói.
Nông dân thôn 3, xã Nâm N'Jang (Đăk Song) chăm sóc tiêu. Ảnh: Mai Anh/Báo Đăk Nông
Cần ngừng trồng mới hồ tiêu
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, do giá tiêu hạt liên tục tăng cao trong nhiều năm, có lúc tăng lên 230.000 đồng/kg và lợi nhuận cao gấp 3, gấp 4 lần so với trồng cà phê, điều… nên các nông hộ ở Tây Nguyên đã bất chấp khuyến cáo của địa phương, ngành chức năng ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu, góp phần tăng sản lượng tiêu nên giá giảm là điều dễ hiểu.
Theo quy hoạch đến năm 2020, các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông mỗi tỉnh mở rộng lên khoảng 6.000ha tiêu, thế nhưng, hiện nay Đăk Lăk đã có gần 28.000ha, Đăk Nông gần 25.000ha, Gia Lai có 15.697ha…
Thậm chí, do chạy theo phong trào, nhiều nông hộ vùng Tây Nguyên còn đưa cây hồ tiêu vào trồng trên những chân đất không thích hợp và đất trũng nên dễ bị ngập úng, nhiễm bệnh. Một số hộ còn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu mà không xử lý mầm bệnh cũng như cải tạo đất nên cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, khiến bà con thiệt hại nặng nề.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh khu vực này sớm rà soát lại quy hoạch và quản lý thực hiện sản xuất hồ tiêu theo đúng kế hoạch của từng địa phương, từng vùng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trình kỹ thuật thâm canh đồng bộ cây hồ tiêu từ khâu chọn đất, giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy… Đặc biệt, cần xây dựng thương hiệu hồ tiêu Tây Nguyên, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ để ngành hồ tiêu phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.