Thị trường cà phê trong ngày cuối tuần 14.7 đầy hứng khởi vì giá tăng mạnh, dự báo sẽ tạo đà cho giá cà phê tiếp tục ổn định trong tuần tới. Ảnh minh họa
Giá cà phê bật tăng mạnh vì lạnh và bão
Giá nông sản hôm nay 14.7, các nhà buôn đã nâng giá thu mua cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên thêm 700 – 1.000 đồng/kg. Với mức tăng mạnh này, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng đã đạt 45.000 - 45.400 đồng/kg. Ở các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông giá cà phê hôm nay là 46.000 đồng/kg, thậm chí tại Kon Tum giá đã tăng trở lại mức 46.100 của phiên giao dịch cách đây 1 tuần.
Đáng chú ý, thị trường cà phê thế giới hôm nay có một phiên giao dịch đầy hứng khởi, nhất là đối với cà phê robusta tại thị trường London, khi giá kỳ hạn giao tháng 9 đã tăng tới gần 50 USD/tấn, đạt 2.145 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York cũng tăng thêm 2,82%, tương đương 3,6 cent/lb, giao dịch ở mức 131,2 cent/lb. Khối lượng giao dịch tại thị trường này khá lớn, đạt trên 26.000 lô.
Đây là mức tăng rất mạnh trên cả 2 sàn và phải rất lâu rồi thị trường cà phê mới ghi nhận biên độ tăng giá lớn đến như vậy. Tương tự, giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam tại cảng TP.HCM (giá FOB) đã tăng từ mức 2.027 USD/tấn của ngày 13.7 lên 2.075 USD/tấn, mức trừ lùi 70 USD/tấn.
Giá cà phê hôm nay tại thị trường nội địa. Nguồn: tintaynguyen.com
Theo phân tích của các thương nhân, giá cà phê thế giới tăng mạnh trên cả hai sàn do có tin tức dự báo thời tiết của Brazil trong tuần tới. Theo đó, sẽ có một cơn bão xuất hiện từ Uruguay và Argentina kéo vào bang Sao Paulo của Brazil (khoảng thứ 3 và thứ 4 tuần sau) và sẽ kéo giảm nhiệt độ xuống mức rất lạnh. Theo đánh giá của các nhà khí tượng học thì đây là đợt lạnh có cường độ cao nhất tính từ “mùa sương giá” của Brazil đến nay. Thời tiết xấu sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hoạch và phơi sấy của đất nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này.
Ngoài vấn đề thời tiết, giá tăng mạnh mẽ của sàn arabica còn do đồng Real của Brazil duy trì đà tăng giá, các nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng khi bối cảnh chính trị Brazil vẫn còn nhiều biến động. Các thương nhân cũng lưu ý lượng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 tăng, đồng nghĩa với việc nguồn cung hàng những tháng cuối vụ sẽ căng thẳng hơn. Do đó, về mặt tâm lý giá cà phê sẽ duy trì xu hướng tăng, tuy nhiên giữa các đợt tăng giá vẫn có thể có những phiên điều chỉnh nhẹ.
Giá tiêu không thể tiến xa hơn
Giá thu mua hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên trong ngày hôm nay đã chững lại, giao dịch quanh mức 76.000 – 78.000 đồng/kg. Giá tiêu nguyên liệu tại tỉnh Đồng Nai cũng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, về mức 76.000 đồng/kg. Trong khi giá hạt tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Bình Phước trên thị trường tự do đang ở mức 77.000-79.000 đồng/kg.
Dự báo thời gian tới, giá tiêu sẽ vẫn trong xu hướng thấp do nhu cầu không có biến động. Ảnh minh họa
Giá tiêu giao ngay của Ấn Độ cũng giảm 100 rupee xuống 49.100 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.100 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Trên thị trường kỳ hạn, có 10 tấn tiêu vùng cao được giao dịch ở 500 rupee/kg. Giá tiêu Ấn Độ xuất sang châu Âu và Mỹ cũng lần lượt giảm về 8,175 USD/tấn và 8.425 USD/tấn.
Dự báo thị trường tiêu không mấy sáng sủa, giá cũng khó có thể tiến xa hơn khi Indonesia và Brazil bắt đầu giải phóng hàng dự trữ vì lo ngại giá sẽ giảm tiếp, trong khi nhu cầu thì gần như không tăng.
Trong các mặt hàng nông sản chủ lực, hồ tiêu Việt Nam hiện đang là mặt hàng bị giảm mạnh nhất về giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm nay. Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu hồ tiêu nước ta ước đạt trên 715 triệu USD, giảm 16,8% so cùng kỳ 2016. Tuy giảm khá nhiều về giá trị nhưng việc buôn bán mặt hàng này vẫn diễn ra thuận lợi khi sản lượng xuất khẩu tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.