Giá nông sản hôm nay 26.6: Tiêu chưa thể bứt phá, cà phê khó giữ đà tăng

Thiên Hương Thứ hai, ngày 26/06/2017 04:22 AM (GMT+7)
Giá nông sản hôm nay (26.6), dự báo giá cà phê thế giới khó giữ đà tăng do sức ép từ hoạt động bán chốt lời của các nhà đầu cơ, khi họ đã mua được một lượng lớn cà phê giá thấp từ các phiên đầu tuần trước, bất chấp việc giá cà phê có phiên cuối tuần tăng đột biến. Đối với hồ tiêu, dự báo giá sẽ tiếp tục ổn định ở dưới 80 triệu đồng/tấn do chưa tìm thấy động lực nào để tăng giá trong bối cảnh giá tiêu tại Ấn Độ đang giảm liên tiếp.
Bình luận 0

img

Giá nông sản hôm nay (26.6), dự báo giá cà phê thế giới sẽ biến động do các nhà đầu tư bán chốt lời. Ảnh: Giống cà phê catimor đang được trồng phổ biến tại Tây Nguyên do đặc tính dễ trồng, năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt. T.L

Giá cà phê đầy bất ổn

Trên thị trường cà phê thế giới, giá kỳ hạn arabica trên sàn New York phiên thứ Sáu (23.6) vừa qua đã tăng mạnh, với cường độ tăng mạnh nhất tính từ đầu năm đến nay. Theo đó, thị trường New York đóng cửa tăng 6,5 cent/pound, tương đương với +5,58% và chốt ở mức 123 cent/pound. Nguyên nhân được cho là do các quỹ đầu cơ đã quay sang mua bù trên thị trường quyền chọn, sau khi đã bán một lượng lớn hàng giấy vào hôm trước đó (22.6), khiến giá giảm xuống 115.50 cent/pound (mức sâu nhất tính từ 16 tháng trở lại đây).

Tương tự, giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 9.2017 cũng tăng 48 USD/tấn khi đóng cửa chốt ở mức 2.078 USD/tấn, phục hồi sau 4 ngày giảm liên tiếp. Điều này khiến các nước sản xuất cà phê phần nào bớt lo lắng, tuy nhiên thực tế cho thấy dù đã có phiên tăng mạnh, song giá robusta vẫn giảm so với tuần trước đó và đấy là tuần đầu tiên có giá thấp hơn tuần trước sau 5 tuần tăng liên tục.

Theo phân tích của chuyên gia độc lập Nguyễn Quang Bình, giá cà phê arabica tăng mạnh là do thị trường này đã vào khung bán quá mức. Cụ thể, tính đến 20.6, lượng dư bán trên sàn kỳ hạn arabica đã đạt gần đến 36.000 lô. Tính trước khi mở cửa ngày giao dịch cuối tuần qua, lượng dư bán cũng đã tăng lên mức 42.000 lô. Như vậy, lượng dư bán lớn và từ đây sẽ tạo cho thị trường những đợt tăng/giảm thất thường và cực mạnh.

img

Biểu đồ giá tháng 9 sàn New York cuối phiên 23.7.2017. Nguồn: giacaphe.com

Trong tình hình nguồn cung cấp arabica chưa gay cấn và Brazil đang chuẩn bị ra hàng vụ mới, người ta tin các quỹ đầu cơ vẫn theo hướng bán khống nhưng thỉnh thoảng phải có đợt mua bù, nên sẽ làm thị trường bất ổn về giá cả hướng lên lẫn xuống.

Trong ngày 23.6, các nước sản xuất không bán mạnh do chê giá thấp. Việc mua nhiều bán ít đã làm giá tăng mạnh, đó là cách giải thích cho giá kỳ hạn cà phê arabica tăng mạnh phiên cuối tuần - chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho biết.

Với những diễn biến như trên, nhiều nhà phân tích cho rằng giá cà phê rất khó giữ đà tăng của phiên cuối tuần 23.6 vừa qua và có thể theo xu hướng đứng im. 

Giá tiêu tiếp tục dưới 80.000 đồng/kg?

Trong những ngày cuối tuần, giá giao dịch hàng thực trên sàn hồ tiêu Kochi (Ấn Độ) ổn định và quanh mức 48.400 rupee/tạ. Trong khi đó, giá tiêu tại nhiều vùng sản xuất của nước ta cũng ít có dao động khi mua bán quanh mức 76-79 triệu đồng/tấn. 

img

Giá nông sản hôm nay (26.6), dự báo giá hồ tiêu trong nước tiếp tục ổn định. Ảnh minh hoạ

Theo Ban Gia vị (Ấn Độ), nước này đã xuất khẩu khoảng 17.600 tấn hạt tiêu các loại, trị giá 1.141,89 triệu rupee trong niên vụ 2016/2017, so với 28.100 tấn tiêu các loại có giá trị 1.730,42 triệu rupee trong niên vụ trước đó. Như vậy, xuất khẩu hạt tiêu của Ấn Độ đã giảm khá mạnh, tới 37% về khối lượng và giảm 34% về giá trị, trong khi nhập khẩu đang có xu hướng tăng.

Ước tính từ 4.2016 đến tháng 2.2017, Ấn Độ đã nhập khoảng 18.500 tấn hạt tiêu, trong khi niên vụ trước nước này nhập khoảng 19.365 tấn. Được biết, trong năm 2016, các doanh nghiệp Ấn Độ đã nhập khẩu 11.180 tấn tiêu từ Việt Nam để phục vụ chế biến và sau đó tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường khác. 

Một thông tin đáng chú ý là giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm hơn 21.000 rupee/tạ trong vòng 1 năm qua do nhập khẩu hạt tiêu giá rẻ từ Việt Nam thông qua Sri Lanka. Cụ thể, cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu giao ngay của Ấn Độ ở mức 69.700 rupee/tạ (tiêu xô) và 72.700 rupee/tạ (tiêu đã sơ chế). Nhưng hiện hạt tiêu của nước này chỉ còn lần lượt quanh mức 48.500 rupee/tạ và 50.500 rupee/tạ. Chỉ có loại tiêu cao cấp Malabar là vẫn không có đối thủ cạnh tranh trong thị trường toàn cầu, theo các thương nhân.

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 6.2017 các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 11.395 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 54,77 triệu USD, tăng 36,2 % về lượng nhưng giảm tới 21,1 % về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 4.806 USD/tấn, giảm 8,02% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 5.2017.

Trước đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, sang tháng 7-8, thị trường hạt tiêu toàn cầu có thể sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, giá hồ tiêu của năm 2017 sẽ không còn cao như 2 năm trước và khó có cơ hội cao trở lại như thời kỳ 2014 – 2015, do nguồn cung toàn cầu mặt hàng hồ tiêu năm 2017 có thể cao hơn năm trước từ 55.000 - 60.000 tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem