Giá nông sản hôm nay (2.7), giá cà phê trong nước đang duy trì ở mức cao theo giá thế giới. Ảnh minh hoạ.
Giá cà phê tăng 1.400 đồng/kg trong 1 tuần
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn ICE Europe – London kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 36 USD, lên ở mức 2.158 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 17 USD, lên ở mức 2.149 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức khá.
Tuy nhiên, giá cà phê arabica trên sàn ICE US – New York lại đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,7 cent, xuống 124,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,65 cent, còn 125,7 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Theo đà tăng trên sàn London, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hiện đang ở mức 45.600 – 46.100 đồng/kg. Giá cà phê robusta xuất khẩu tại cảng TP. Hồ Chí Minh lên mức 2.039 USD/tấn, với mức chênh lệch trừ lùi tăng thêm 10 USD lên 100 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London. Thị trường ghi nhận một số giao dịch trao tay ở các kho nhỏ, trong khi nông dân vẫn còn im ắng do hầu hết cà phê bà con đã gửi ở các đại lý từ mấy tháng trước, chỉ còn số ít nông dân còn trữ cà phê trong kho của mình.
Tính chung cả tuần, giá cà phê nhân xô trong nước đã tăng 1.400 đồng/kg, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng 71 USD/tấn; giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 2,7 cent/lb.
Biểu đồ giá cà phê robusta tại thị trường London kỳ hạn tháng 9 tuần 26 (26/06 – 01/07/2017). Nguồn: giacaphe
Nhà phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình đánh giá, tháng 6.2017 qua đi với một tâm lý thị trường nửa lo nửa ngờ. Giá sàn kỳ hạn robusta, nơi các nhà xuất nhập khẩu cà phê Việt Nam thường dùng làm tham chiếu, mức giao dịch những ngày cuối tháng đã phá vỡ các mức chắn để vượt lên 2.177 USD/tấn kỳ hạn tháng 9.2017 và chốt đóng cửa mức 2.149 USD/tấn, là mức hứa hẹn nhiều điều theo hướng tích cực.
Nếu so với giá đầu tháng 6.2017, mức 2.177 USD/tấn đã xấp xỉ và mức để vượt đỉnh niên vụ này còn cần 70-80 USD nữa. Niên vụ cà phê 2016/2017 chỉ còn 3 tháng nữa, tức đến ngày 30.9.2017.
Giá hạt tiêu sẽ thoát khỏi chuỗi ngày dài u ám?
Hết đợt nghỉ dài sau tháng Kamadan (tháng ăn kiêng của các nước Hồi giáo), giá hồ tiêu tại sàn Kochi (Ấn Độ) đang phục hồi dần. Từ 48.400 INR/tấn ngày 24-25.6.2017, giá mặt hàng này tại Kochi ngày cuối tháng lên 48.800 INR/tấn.
Giá hồ tiêu tại nhiều nơi ở Việt Nam đang giao dịch quanh mức 76-77 triệu đồng/tấn, mức giá này đã ổn định trong gần nửa tháng qua, song thị trường đang kỳ vọng giá trong tuần này sẽ dần khởi sắc theo đà tăng của sàn giao dịch tại Ấn Độ.
Giá nông sản hôm nay (3.7), dự báo giá tiêu có thể tăng, tuy nhiên ngành sản xuất hồ tiêu của Việt Nam đang bắt đầu phải "để ý" tới đối thủ mới là tiêu từ Campuchia. Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành hồ tiêu đang bày tỏ lo ngại về một đối thủ mới - đó là hạt tiêu Campuchia. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, trong 5-7 năm trở lại đây, do nông dân Capuchia nhận thấy thấy sản xuất hồ tiêu của Việt Nam cho thu nhập hấp dẫn nên Campuchia cũng đang bùng nổ phong trào trồng hồ tiêu. Và không chỉ có nông dân Campucia, hiện còn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc...) cũng đang tới Campuchia thuê đất để sản xuất hồ tiêu.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông thôn Campuchia (CIRD), mỗi năm chỉ có khoảng 500 tấn tiêu, tương đương 5% tổng sản lượng sản xuất trong năm 2015 của nước này được phân phối đến các thị trường truyền thống trong nước thông qua hệ thống thương lái, nhằm phục vụ nhu cầu nội tiêu và thị trường du lịch, trong khi 95% sản lượng được xuất khẩu sang các nước khác.
Một điểm đáng lưu ý là tuy nông dân Capuchia không thâm canh mạnh như nông dân Việt Nam nhưng do đất và điều kiện khí hậu thời tiết khá tốt nên năng suất hồ tiêu tại đây luôn ở mức cao. Khảo sát của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cho thấy, năng suất tiêu bình quân của Campuchia là 6,4 tấn/ha, kế đến là Thái Lan và Việt Nam với năng suất lần lượt là 3,8 tấn/ha và 3,2 tấn/ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.