Giá nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là 5.973 đồng/m3 (đối với 10m3 đầu tiên). Từ 10-20m3 sẽ là 7.052 đồng/m3. Từ 20-30m3 là 8.669 đồng/m3. Từ 30m3 trở lên, mức giá sẽ là 15.929 đồng/m3. Tất cả các loại giá trên chưa bao gồm thuế và phí.
Vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 15, nhiều hộ dân ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm... (Hà Nội) dùng nước ăn từ xe bồn. Ảnh: Danviet
Cũng theo Hawaco, giá nước trên được tính toán trên cơ sở các yếu tố thay đổi chi phí sản xuất kinh doanh thực tế đảm bảo giá nước được tính trên nguyên tắc tính đúng tính đủ. Một số chi phí sản xuất kinh doanh tăng do sự thay đổi cơ chế chính sách của Nhà nước hoặc theo lộ trình biến động của thị trường, cụ thể: Phí bảo vệ môi trường tăng 6 lần; chi phí điện từ 2010-2015 tăng bình quân 10%/năm; chi phí tiền lương từ 2009-2015 tăng bình quân 30%/năm; chi phí khấu hao để phát triển mở rộng mạng lưới; chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng theo giá thị trường từ năm 2015 tăng 15%…
Việc điều chỉnh giá nước lần này sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty cấp nước chủ động trong kinh doanh, chủ động vay vốn để phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước cũng như thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Nghị định 124/2012/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm lợi ích cho khách hàng sử dụng nước được miễn phí tiền lắp đặt đoạn đấu nối và đồng hồ đo nước vào nhà, được sửa chữa thay thế miễn phí khi đồng hồ đo nước hỏng, không chính xác.
Mặc dù vậy, điều khiến người dân sinh sống, làm việc tại Hà Nội băn khoăn là việc tăng giá nước sạch có kèm theo chất lượng phục vụ hay không. Trong thời gian qua, đường ống nước sông Đà đã vỡ 15 lần, khiến sinh hoạt của người dân và nhiều dịch vụ khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngày 1.10, trao đổi với NTNN, ông Trương Quốc Dương- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex cho biết: “Việc giá nước sạch tăng là theo lộ trình của thành phố Hà Nội. Công ty chúng tôi là đơn vị bán buôn cho cả thành phố, sự cố xảy ra ở một số nơi chỉ dẫn tới thiếu nước cục bộ”.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự cố khiến người dân Hà Nội thiếu nước sinh hoạt, ông Dương nhấn mạnh: “Đường ống nước sông Đà vỡ nhiều lần, nhưng việc khắc phục vẫn bảo đảm chất lượng. Trách nhiệm còn lại thuộc về các đơn vị bán lẻ”.
Về vấn đề tăng giá nước sạch, trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Quân- Trưởng phòng Hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Đây là việc được thực hiện theo lộ trình đã được thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2013. Cũng theo ông Quân, việc điều chỉnh giá bán nước sạch này không phải tự nhiên mà có. “Nói là tăng và thực tế là tăng, nhưng nếu so với các địa phương khác trên toàn quốc, giá nước sạch tại Hà Nội vẫn thấp hơn. Theo đánh giá của tôi, đây là mức giá chấp nhận được”- ông Quân nhận định.
Để làm rõ hơn về vấn đề được đông đảo người dân quan tâm, trong ngày 1.10, phóng viên NTNN đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco) và ông Nguyễn Bảo Vinh- Tổng Giám đốc Hawaco nhưng không nhận được ý kiến phản hồi.
Tháng 6.2015, trong buổi kiểm tra tình hình cung cấp điện, nước sạch phục vụ người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: Việc tăng giá nước không phải để tăng thu cho ngân sách mà từ đó có nguồn lực để đầu tư các dự án, mở rộng phạm vi phục vụ thêm nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô.
|
Gia đình tôi là một trong những nạn nhân khổ nhất do tình trạng mất nước do đường ống nước sông Đà bị vỡ. Xây được cái nhà ba chục mét vuông, nhưng bể ngầm lại bị nứt, không chứa được nước, thành ra cứ phải hút nước trực tiếp từ đường ống đưa lên téc nước, mà cũng chỉ được 2 khối nước. Mấy năm qua đường ống nước vỡ luôn, mỗi lần như thế dè sẻn lắm thì nước dùng cũng chỉ được vài ngày. Sau đó lại khốn khổ đi xin từng xô nước. Bây giờ giá nước tăng, đơn vị cung cấp nước có cam kết đảm bảo không mất nước nữa không? Không thể để người dân thiệt cả đôi đường”.
Nguyễn Thị Tâm (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội)
Giá nước của Nhà nước quy định 5.000đ/m3. Nhưng sinh viên chúng tôi đi thuê nhà, thì chủ nhà lại lấy tăng gần gấp đôi. Bây giờ nước lại tăng giá thì không biết chúng tôi sẽ phải trả thêm bao nhiêu? Lại thêm một mối lo, một gánh nặng cho gia đình, trong khi bố mẹ tôi đều làm nông dân, mỗi lần nhìn thấy mẹ vay chạy tiền đưa cho tôi đi học mà muốn rơi nước mắt. Tháng tới xin tiền mẹ biết nói sao đây?”.
Nguyễn Thị Hằng (Sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội)
Tôi được biết, bắt đầu từ 1.10, UBND TP Hà Nội sẽ tăng giá nước sạch tiêu dùng và tính theo lũy kế. Thời gian qua, mỗi lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà là một lần mất nước, bao gia đình khốn khổ. Nhịn tắm, đi vệ sinh bừa bãi, hàng ngày phải mua nước bình về dùng, rất tốn kém… nhưng có thấy đơn vị cung cấp nước bồi thường thiệt hại, đếm xỉa gì đến người dân (?). Không thể làm theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi được”.
Tôi đề nghị cần phải có cơ quan nhà nước đứng ra kiểm tra việc thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp nước giữa công ty cấp nước và người sử dụng nước. Khi mà quyền lợi của anh tăng lên, thì nghĩa vụ cũng phải tương ứng. Công ty Viwaco phải đảm bảo, nếu sự cố xảy ra sẽ có xe téc cung cấp đầy đủ nước sạch cho dân. Nếu không thực hiện được phải bồi thường thiệt hại. Không thể tùy tiện tăng giá khi mà chất lượng phục vụ không tăng”.
Nguyễn Văn Hải (Cầu Giấy, Hà Nội)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.