Giá phân bón “neo” ở mức cao, có phải do áp thuế phòng vệ thương mại?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 23/06/2021 16:14 PM (GMT+7)
Thời gian qua, giá phân bón liên tục “neo” ở mức cao, theo nhận định của ngành chức năng, tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2021.
Bình luận 0

Trong thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, động thái trên gây ra tình trạng giá phân bón liên tục tăng cao.

Nhận định về tình trạng trên, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, cân đối yếu tố chính sách xã hội, Việt Nam đã áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu từ năm 2017. Sau đó, hiện tượng giá phân bón tăng chỉ mới bắt đầu tăng từ đầu năm 2021.

Lý giải nguyên nhân giá phân bón tăng, ông Dũng cho rằng, giá tăng chủ yếu do yếu tố bên ngoài, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, chi phí vận tải tăng. Cụ thể, đối với sản phẩm DAP và MAP, nguyên liệu sản xuất lớn nhất là lưu huỳnh và amoniac.

Giá phân bón “neo” ở mức cao, có phải do áp thuế phòng vệ thương mại? - Ảnh 1.

Giá phân bón có thể sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm 2021. (Ảnh: VINACHEM)

Trong thời gian vừa qua, giá lưu huỳnh về các nhà máy sản xuất tăng lên 2 lần, từ 95 USD/tấn, lên 208USD/tấn. Giá amoniac tăng 31,4% tương đương mức tăng 102 USD/tấn. Giá vận chuyển tăng từ 3-5%... Tất cả các yếu tố này khiến giá các loại phân bón nói chung gia tăng.

Đặc biệt, theo ông Dũng phân tích, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện tại, việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối trọng với nhập khẩu là xu thế tất yếu. Cùng với đó, mức tăng giá mặt hàng DAP và MAP sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với mức tăng giá của nhập khẩu. Hiện nay giá phân bón DAP, MAP trong nước dao động khoảng 9,5-10,8 triệu/tấn, trong khi giá nhập khẩu 14-15 triệu/tấn.

"Việc có nguồn sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu để đối trọng với nhập khẩu là giải pháp kìm hãm mức tăng giá chung của mặt hàng DAP, MAP nói riêng và phân bón nói chung", ông Lê Triệu Dũng cho hay.

Trả lời câu hỏi về giá phân bón tăng hay giảm trong thời gian tới, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) thông tin thêm, theo thông lệ, chu kỳ giá của phân bón thì cứ khoảng 10 năm sẽ có độ tăng giá. Năm nay cũng giống như năm 2008 là chu kỳ giá đi lên.

Theo đó, ông Ngọc cho hay, việc giá phân bón đi lên có thể do rất nhiều nguyên nhân. Phân bón về Việt Nam gồm có DAP, MAP và Urê thì hầu hết được vận chuyển bằng container. Tại thời điểm, Trung Quốc có chính sách là khi trong nước có nhu cầu cao thì họ sẽ đánh thuế xuất khẩu phân Urê.

Do đó, hiện tại, thuế xuất khẩu Urê của Trung Quốc đang là 30 %, trong khi đó, Ấn Độ đang vào vụ rất cao và nguồn cung Urê ở Đông Nam Á rất thấp, tại Indonesia, Malaysia thì đều đang vào xưởng máy vận hành, bảo dưỡng. Tất cả những yếu tố đó đã đẩy giá thế giới rất là cao. Vì vậy, giá phân bón của Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn.

"Nếu nói về sản xuất Urê thì hiện nay Việt Nam sản xuất theo hai nguồn. Một là bằng than, hai là bằng khí. Cả hai cái giá này đều tăng rất là cao, theo đánh giá của tôi thì giá phân bón sẽ vẫn còn leo thang từ giờ đến hết năm", ông Ngọc dự báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem