Cục trưởng Bảo vệ thực vật lý giải nguyên nhân giá phân bón vượt mốc 1 triệu đồng/bao
Giá phân bón vượt mốc kỷ lục 1 triệu đồng/bao, Cục trưởng BVTV lý giải nguyên nhân và giải pháp bình ổn giá
Khương Lực
Thứ tư, ngày 08/12/2021 10:00 AM (GMT+7)
Dân Việt đã có loạt bài phản ánh giá các loại phân bón tại đồng bằng sông Cửu Long lần đầu vượt mốc kỷ lục hơn 1 triệu đồng/bao, để làm rõ vấn đề này, PV Báo điện tử Dân Việt đã phỏng vấn ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT)- đơn vị được giao quản lý Nhà nước về phân bón hiện nay.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, giá phân bón trong nước tăng liên tiếp từ đầu năm theo biến động tăng của thị trường thế giới, tuy nhiên giá được duy trì ở mức thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu cùng loại.
Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giá phân bón urê lần đầu tiên đã vượt mốc kỷ lục, tăng lên hơn 1 triệu đồng/bao (loại 50kg), DAP 1,37 triệu đồng/bao, kali 1,15 triệu đồng/bao, gấp từ 3-4 lần so với cách đây chỉ 6 tháng. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến giá phân bón liên tục tăng cao trong một thời gian ngắn như vậy?
- Giá phân bón trong nước chịu ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới do thị trường trong nước và nước ngoài liên thông. Giá phân bón trong nước đã tăng liên tiếp từ đầu năm theo biến động tăng của thị trường thế giới, tuy nhiên giá được duy trì ở mức thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu cùng loại.
Nguyên nhân chính làm giá phân bón tăng là chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào sản xuất phân bón tăng mạnh. Đặc biệt, giá khí NH3, axit H2SO4… và ngay cả trong nước quặng apatit (sản xuất phân lân, DAP, MAP) cũng tăng giá. Cụ thể, khí NH3 tăng 220%, giá lưu huỳnh tăng 233%, giá axit H2SO4 tăng 580%, giá quặng apatit tăng 25%.
Cùng với đó, tác động do đại dịch COVID-19 làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gẫy, đình trệ, cước phí vận tải tăng 3-5 lần, khan hiếm container rỗng, thời gian và chi phí lưu kho đều tăng. Ở trong nước, dịch COVID-19 gây thiếu hụt nhân công, phát sinh thêm chi phí vận hành trong vận tải, lưu thông.
Bình thường một xe chở thanh long từ Bình Thuận lên cửa khẩu quốc gia Tân Thanh mất gần 100 triệu đồng, nhưng đến khi dịch COVID-19 xảy ra, cước phí vận tải tăng lên gần 200 triệu đồng, chưa kể còn phải trang bị cho toàn bộ lái xe khẩu trang, xét nghiệm…
Ngoài ra, nguồn cung phân bón bị hạn chế. Nhiều nhà máy phân bón trên thế giới bị đình trệ sản xuất, giảm công suất hoặc dừng sản xuất do tác động của dịch bệnh COVID-19 và giá nguyên liệu tăng quá cao. Lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Kali của Belarus dẫn tới nguồn cung Kali bị khan hiếm. Trung Quốc áp dụng chính sách quản lý chặt chẽ, hạn chế xuất khẩu phân bón…
Trước diễn biến giá phân bón tăng cao như vậy, Cục Bảo vệ thực vật đã có những giải pháp, đề xuất gì để bình ổn thị trường phân bón?
- Trước tình hình giá phân bón có diễn biến phức tạp, ngày 13/3/2021, Bộ NNPTNT (Cục BVTV) đã tổ chức hội nghị trao đổi, làm việc với Hiệp hội phân bón Việt Nam, một số doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực để đánh giá và tìm giải pháp cho vấn đề này.
Những giải pháp mà các doanh nghiệp sản xuất đã cam kết thực hiện, đó là: vận hành nhà máy phân bón hoạt động với công suất tối đa; thực hiện cắt giảm các hợp đồng xuất khẩu phân bón để ưu tiên nguồn cung cho thị trường trong nước và hợp lý hóa các chi phí sản xuất, duy trì giá bán theo chi phí nguyên liệu để phân bón đến tay người nông dân với mức giá hợp lý nhất.
Sau đó, Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị do Bộ trưởng, Thứ trưởng chủ trì. Tại các hội nghị này, các ý kiến đã xem xét, làm rõ vấn đề dòng chảy từ các nhà máy đến đại lý phân phối có bị tắc nghẽn và có yếu tố găm hàng hay không.
Đối với các doanh nghiệp phân bón, quan trọng nhất là vốn phải luân chuyển nên không có hiện tượng găm hàng, tích trữ. Các doanh nghiệp cũng cam kết đẩy mạnh tối đa công suất sản xuất; thứ hai minh bạch hóa giá cả từ nhà máy đến các đại lý để cung ứng, bán cho người dân và cam kết với các cơ quan quản lý nhà nước bán phân bón ở thị trường trong nước cũng có lợi, không nhất thiết phải xuất khẩu.
Để bình ổn giá phân bón cả trước mắt và lâu dài, Bộ NNPTNT đã có những kiến nghị, đề xuất phối hợp như thế nào đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan?
Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp bình ổn thị trường phân bón. Theo đó, Bộ NNPTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với phân Urê, DAP và MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Cùng với đó, Bộ NNPTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng và nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng thuế xuất khẩu đối với phân bón phù hợp với các cam kết quốc tế. Trước mắt, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón Urê, DAP và MAP.
Hiện nay, Bộ NNPTNT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí phân bón, nhất là trong tình hình giá phân bón tăng cao.
Vừa rồi, có đề xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 50% lượng phân bón vô cơ? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đề xuất là một chuyện, nhưng việc của chúng ta phải xác định phân bón là dinh dưỡng và chúng ta phải cung ứng đầy đủ dinh dưỡng cho đất để cung cấp cho cây trồng thì mới sinh trưởng, phát triển, tạo ra năng xuất, đảm bảo chất lượng được. Vì thế, nói đến giảm bao nhiêu phân bón thì phải có bản đồ về mặt nông hóa, thổ nhưỡng. Nghiên cứu thấy đất giàu kali thì sẽ giảm lượng Kali đó đi.
Dạng thứ hai là hiện nay hiệu suất sử dụng phân bón của nước ta mới được 50%, có cái được 60%, nhưng có cái xuống 30%. Bây giờ từ phương pháp bón, từ các chế phẩm - ví dụ nhả chậm, thông minh - đó là một trong những cách cải tiến để tăng hiệu quả sử dụng của phân bón lên.
Tiếp theo, một cái giảm nữa là theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật làm rất công phu, riêng 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều bón phân cao hơn trung bình trung của cả nước là 42%. Đây là một sự lãng phí, cần điều chỉnh lại và có những quy trình, kỹ thuật sử dụng phân bón đảm bảo hiệu quả và hợp lý hơn.
Tại diễn đàn quốc tế đối thoại chính sách "Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp", Trung Quốc đặt ra kế hoạch 10 năm để giảm lượng phân bón là 10%, tức là trung bình 1 năm giảm 1%. Thứ hai, ngay cả đề xuất của Ngân hàng Thế giới (WB) liên quan đến cắt giảm khí thải Carbon, riêng vật tư đầu vào, trong đó có phân bón từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050 mới đề xuất giảm 20%.
Trước tình trạng phân bón tăng giá cao như vậy, một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia nhắc tới, đó là tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ lên. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về phía Bộ NNPTNT, với trách nhiệm được giao quản lý nhà nước, chúng tôi yêu cầu tất cả các nhà máy đã đủ điều kiện sản xuất, tăng tối đa công suất; thứ hai đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ lên. Hiện nay, cả nước đã có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với sản lượng hơn 3 triệu tấn/năm. Riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thống kê cho thấy, việc sản xuất phân bón hữu cơ ở nông hộ đã đạt hơn 14 triệu tấn.
Trên thực tế, do giá phân bón tăng, vừa qua nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL cũng đã chủ động sang sử dụng phân bón hữu cơ, tôi cho rằng đây là sự chuyển đổi tự nhiên và rất cần thiết. Việc sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp tiết giảm chi phí, mà còn hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; đặc biệt chúng ta tận dụng được hàng chục triệu tấn phụ phẩm từ hoạt động sản xuất, chế biến nông sản (rơm rạ, trấu, lõi ngô)...
Quan điểm của Cục BTVT là tạo điều kiện tối đa cho sản xuất phân bón hữu cơ và chúng tôi sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các sản phẩm phân bón hữu cơ đủ điều kiện đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh, áp dụng rộng rãi hơn các tiến bộ về mặt khoa học, kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… trên đồng ruộng, qua đó giúp giảm lượng phân bón và tăng hiệu quả sử dụng lên. Các địa phương cũng đang rất quan tâm, hưởng ứng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật này trên đồng ruộng.
Xin cảm ơn ông!
Tính từ đầu năm tới nay, giá một số loại phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng, thậm chí đã thiết lập các mức kỷ lục mới về giá trong nhiều năm trở lại đây. Giá bình quân tháng 10/2021 so với tháng 12/2020: Urê tăng từ 246-280 USD/tấn lên 659-769 USD/tấn, tăng 133-173%; DAP tăng từ 362-392 USD/tấn lên 637-706 USD/tấn, tăng 168-214%; Kali tăng từ 208-246 USD/tấn lên 570-777 USD/tấn, tăng 151-217%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.