Giá phân, thuốc cho lúa tăng, làm cách này nông dân xứ Nghệ vẫn tiết kiệm được 15-20% chi phí

Cảnh Thắng Thứ năm, ngày 12/05/2022 18:42 PM (GMT+7)
Vụ xuân 2022, UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) phối hợp với Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam và Công ty giống nông nghiệp Quốc tế triển khai 15 mô hình canh tác lúa theo phương pháp SRI với tổng diện tích 307ha.
Bình luận 0

Nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ngày 12/5, UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) phối hợp với Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam và Công ty giống nông nghiệp Quốc tế triển khai trình diễn 15 mô hình giống lúa mới ứng dụng kỹ thuật canh tác SRI trong vụ xuân 2022.

Mô hình "giống lúa mới ứng dụng kỹ thuật canh tác mới (SRI)" mang năng suất vượt trội tại xứ Nghệ - Ảnh 1.

Mô hình giống lúa mới lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308 áp dụng quy trình SRI vụ Xuân 2022 tại xã Nghĩa Đồng, Tân Kỳ, Nghệ An với 35 ha. Ảnh: Cảnh Thắng

Được biết, với 15 mô hình trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ đã triển khai trồng mới 8 giống lúa mới trên địa bàn 8 xã với tổng diện tích 307 ha.

Nông dân thực hiện mô hình sử dụng các giống lúa chất lượng, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến – SRI và định hướng xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, người dân còn nhận được sự hỗ trợ một phần của nhà nước về giống và phân bón, tập huấn quy trình kỹ thuật đến tận người dân. 

Các giống lúa mới có năng suất như lúa lai 3 dòng Thụy Hương 8, giống lúa thuần Hưng Long 555 được huyện lựa chọn đưa vào sản xuất trên nhưng khu đồng tập trung, chủ động nước.

Mô hình "giống lúa mới ứng dụng kỹ thuật canh tác mới (SRI)" mang năng suất vượt trội tại xứ Nghệ - Ảnh 2.

Người dân tham quan mô hình trồng giống lúa Thụy Hương 308 và đánh giá giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chọi được nhiều loại sâu bệnh. Ảnh: Cảnh Thắng

Vụ xuân 2022, dù thời tiết không thuận lợi, nhưng diện tích thực hiện các mô hình giống lúa mới ứng dụng kỹ thuật canh tác SRI tại huyện Tân Kỳ vẫn sinh trưởng tốt, sâu bệnh ít, không có diện tích bị nhiễm nặng các loại sâu bệnh như: Đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn, đạo ôn cổ bông, rầy các loại...

Ngoài diện tích trong mô hình, bà con Tân Kỳ còn nhân rộng diện tích áp dụng biện pháp canh tác mới trên tổng số 1.856 ha.

Các hộ dân đã tham gia mô hình đều đánh giá: Việc áp dụng mô hình giúp giảm thiểu được kính phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV và giống so với phương thức canh tác truyền thống (lúa lai 20 kg/ha và lúa thuần 40 kg/ha), nhất là thuốc BVTV (hầu như cả mùa vụ không phải phun thuốc), từ đó giảm chi phí đầu tư 15 -20%. Việc bón vôi đã làm tăng hiệu quả cải tạo độ chua của đất, hạn chế nguồn bệnh...

Mô hình "giống lúa mới ứng dụng kỹ thuật canh tác mới (SRI)" mang năng suất vượt trội tại xứ Nghệ - Ảnh 3.

Người dân huyện Tân Kỳ đánh giá cao khi triển khai mô hình giống lúa mới ứng dụng kỹ thuật canh tác SRI. Ảnh: Cảnh Thắng

Tại mô hình giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308 do Vinaseed sở hữu bản quyền sản xuất, kinh doanh tại xóm 1 và 2, xã Nghĩa Đồng phát triển rất tốt, năng suất trung bình đạt 80 – 90 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt từ 90 -100 tạ/ha. 

Hiện, Sở NNPTNT, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng canh tác lúa cải tiến SRI, phấn đấu đạt diện tích 1.000 ha/năm. 

Để mô hình này được nhân rộng, trong thời gian tới ngành nông nghiệp cùng các địa phương cần vận động, tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân cùng áp dụng SRI và có những chính sách hỗ trợ để thực hiện hiệu quả quy trình sản xuất lúa bền vững, an toàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem