Tại các chợ, người tiêu dùng phải bấm bụng mua rau với giá cao, ngược lại, người nông dân vẫn chỉ bán rau củ với giá rẻ cùng với nỗi lo về mùa vụ thất bát...
Giá tăng do thời tiết...
Tại Hà Nội, thời tiết mưa nắng thất thường khiến các mặt hàng rau củ, thực phẩm vừa ổn định giá được vài ngày thì lại tăng lên chóng mặt. Khảo sát của chúng tôi tại các chợ khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, giá rau xanh tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/mớ. Cụ thể rau cải có giá 10.000-12.000 đồng/mớ; rau muống 12.000-15.000 đồng/mớ, thậm chí rau sơ mới có giá lên tới 20.000-25.000 đồng/mớ...
Giá rau củ tăng mạnh nhưng nông dân không phải là đối tượng hưởng lợi.
Chị Nguyễn Thu Hà - bán rau củ tại chợ Thành Công cho biết, thời tiết mưa nắng đã khiến cho sản xuất rau xanh bị đình trệ, chưa thể phục hồi ra lứa mới để bán nên giá tăng cao. Các đầu mối đều tăng giá rau nên người bán lẻ cũng phải tăng.
Còn ông Bạch Văn Đấu-Trưởng ban quản lý chợ Hà Đông cho hay, giá rau củ tăng mạnh, bên cạnh lý do cung không đủ cầu còn do tiểu thương bán tại chợ phải chịu các chi phí vận chuyển, phí chợ, thuế má... nên không tăng giá thì sẽ thua lỗ. Ban quản lý chợ đã thường xuyên kiểm tra giá bán ra của bà con, nhưng riêng với rau xanh tăng giá như hiện nay chưa phải là vượt quá mức cho phép nên chỉ nhắc nhở bà con bán đúng giá thị trường"- ông Đấu nói.
Tương tự, tại TP.HCM, các tiểu thương cũng cho biết do mưa nhiều những ngày qua khiến rau củ bị hư hại, nguồn cung giảm nên giá một số rau củ hàng Đà Lạt tăng mạnh trở lại. Cụ thể như xà lách búp 40.000 đồng/kg (tăng 5.000-10.000 đồng), khoai tây Đà Lạt khoảng 40.000-45.000 đồng/kg (tăng hơn 10.000 đồng); nấm rơm 85.000-90.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng)...
Không chỉ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mà tại cả "vựa rau" như tỉnh Thái Bình, thì giá rau củ cũng tăng. Giá rau ngót, rau muống ai không tự trồng được mà phải đi chợ mua thì cũng mất tới 2.000-3.000 đồng/mớ, trong khi bình thường chỉ 500-1.000 đồng/mớ...
Nông dân vẫn thiệtGiá rau củ tại các thành phố lớn, thị trấn, thị xã tăng như vậy, song thực tế người nông dân lại không thu được bao nhiêu từ những biến động giá cả này của thị trường. Chị Trần Bích Thủy (ở xóm Đồng Lan, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết, nếu không tự chở rau ra thành phố bán thì trồng rau chỉ có lỗ. "Nhà em có gần 5 sào chuyên trồng rau màu. Thời tiết thuận lợi, mỗi lứa rau gia đình em cũng có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/sào. Nhưng nay, mỗi sào chỉ còn thu được gần 1 triệu đồng là may"-chị Thủy nói. Theo chị Thủy, mưa nắng thất thường, rau củ chết nhiều nên nông dân đang thiệt hại “kép”: Vừa mất mùa, vừa mất giá. Chưa kể, các loại rau thơm, rau mùi phải mất hơn 1 tháng mới được thu hoạch, nhưng chỉ cần một cơn mưa là thối hết, mất trắng...
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) ông Chu Xuân Kiên cũng cho rằng, sản xuất rau củ bị ảnh hưởng thời tiết là khó tránh, nên để bình ổn được giá, giúp ND cải thiện thu nhập thì Hà Nội phải đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất cho nông dân để ổn định nguồn cung, rút ngắn khâu trung gian, giảm giá thành. Nói một cách hình ảnh, hiện giá dịch vụ trong nông nghiệp chiếm tới hơn 40% giá cả mà người tiêu dùng phải trả cho từng mớ rau, con cá nhưng người dân chưa được hỗ trợ.
|
Chị Phan Thị Hà – Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng cho biết, với diện tích đất màu khá lớn (vụ đông năm 2013 kế hoạch của huyện là sản xuất 1.800ha rau màu), thuận lợi cho sản xuất rau thì lẽ ra nông dân phải thu lãi lớn nếu giá cả thị trường tăng. Song thực tế đến nay, nông dân đang chịu cảnh giá cả không ổn định do bán buôn tại ruộng phụ thuộc vào giá mua của thương lái.
Ông Trần Văn Mây - đại diện HTX sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hiện 1kg rau sạch, HTX ông xuất bán chỉ có 20.000 đồng/kg, nhưng khi bán các tiểu thương bán lên tới 40.000-50.000 đồng/kg. “Nông dân trồng rau chỉ biết lấy công làm lãi, nếu thiệt hại về sản xuất, sản lượng giảm coi như làm không công” - ông nói.
Theo ông Trần Quốc Khánh-Trưởng phòng Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội), sản lượng rau, củ mà thành phố sản xuất được chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô. Nhóm hàng này lại bị phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nên rất khó chủ động về nguồn cung và giá bán cho người dân.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - ông Chu Xuân Kiên cho rằng: “Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần đặt nặng việc đầu tư hệ thống phục vụ sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, tưới tiêu, vật tư, phân bón... một cách đồng bộ, và nông dân cần áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất để tránh bị thua lỗ, đảm bảo giá cả thị trường ổn định, tránh biến động mạnh như hiện nay chỉ vì những lý do đơn giản như thời tiết mưa nắng”.
Mai Hương - Lê Trang - Thu Hồng (Mai Hương - Lê Trang - Thu Hồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.