Giá sữa tăng cao, nông dân vẫn thiệt

Thứ sáu, ngày 24/02/2012 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá sữa trên thị trường và nguồn nguyên liệu để chăn nuôi bò sữa đều đã tăng, đáng lẽ giá thu mua sữa cho nông dân của các doanh nghiệp phải tăng tương ứng. Nhưng thực tế người chăn nuôi bò sữa vẫn chịu thiệt.
Bình luận 0

Nông dân bị ép giá

Xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) có truyền thống chăn nuôi bò sữa hơn 20 năm nay. Hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi bò sữa tập trung chủ yếu ở hai thôn Phù Dực 1 và Phù Dực 2. Hiện toàn xã có 850 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn bò gần 1.600 con, trong đó có hơn 800 con bò đang khai thác sữa. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 2 – 3 con, hộ nhiều nuôi 5 – 6 con. Mỗi ngày người dân thu được 15 – 20kg sữa/con, nếu bò mới đưa vào khai thác thì được hơn 25kg sữa/con, thu nhập khoảng 5 – 7 triệu đồng/tháng.

img
Người nuôi bò sữa không được hưởng đúng thành quả lao động.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Đổng cho biết, thu nhập từ nghề chăn nuôi bò sữa chiếm 35% tổng giá trị kinh tế của toàn xã. Hiện nay, Phù Đổng đang cung cấp sữa cho các đơn vị như Vinamilk, Công ty sữa quốc tế IDP... Đa số người dân tập trung bán sữa cho doanh nghiệp, số ít bán cho tư nhân. Giá thu mua sữa hiện dao động từ 11.500 - 12.500 đồng/kg tùy theo chất lượng. Giá thu mua nh­­ư vậy không tăng so với năm ngoái, trong khi giá sữa trên thị trường đã tăng cao.

Chị Nguyễn Thị Bé ở xóm Nông, thôn Phù Dực 2 than thở: “Nhà tôi có 3 con bò, mỗi ngày thu được 45 lít sữa, chi phí thức ăn cho mỗi con gần 150.000 đồng/ngày, chưa kể tiền thuốc phòng trị bệnh cho bò và cỏ của nhà trồng được, cộng với công sức mình bỏ ra”. Với giá bán sữa cho nhà máy như hiện nay thì người dân chỉ thu về 100.000 đồng/ngày từ mỗi con bò sữa.

Lấy công làm lãi

Theo người dân, chăn nuôi bò sữa tốn rất nhiều chi phí, hiện nay giá thức ăn cho bò tăng lên mà giá sữa bán ra lại không tăng. Chị Đinh Thu Huyền ở xóm Nông, thôn Phù Dực 2 cho biết: “Mặc dù nhà tôi trồng hơn 1 mẫu cỏ xanh, nhưng từ tháng 10 đến tháng 2 đã phải đi sang các tỉnh lân cận để kiếm cỏ về cho bò ăn. Thức ăn chính cho bò sữa là cỏ xanh, nhưng phải kết hợp với cám ngô, đỗ tương, rơm ủ chua thì mới tạm đủ nguồn thức ăn cho bò”.

Dù biết sữa nguyên liệu bán cho các công ty chỉ được mức giá rất thấp so với giá sữa trên thị trường, nhưng người dân vẫn phải bán vì họ chưa trang bị được bình bảo quản sữa, nếu có thì cũng chỉ bảo quản được số lượng rất ít.

Chị Định Thị Mùi (xóm Lai, thôn Phù Dực 2) chia sẻ: Bò sữa dễ mắc bệnh, và nếu bị bệnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sữa nên người dân luôn phải kiểm tra, chăm sóc cẩn thận cho bò. Với giá sữa mà doanh nghiệp thu mua như hiện nay, trừ hết chi phí thì lãi không được là bao so với công sức người dân bỏ ra.

Thời gian qua, giá thức ăn cho bò và giá sữa bán trên thị trường tăng nhiều lần mà giá mua sữa của các doanh nghiệp vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Hầu hết các doanh nghiệp đã tăng giá bán sữa2 – 3 lần trong một năm qua.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhật - người chăn nuôi bò sữa lâu năm ở xóm Nông, thôn Phù Dực 2: “Hai năm trước, giá sữa chỉ hơn 8.500 đồng/kg nhưng gia đình tôi vẫn có lãi, vì lúc đó giá cỏ và giá thức ăn chăn nuôi chưa đắt đỏ. Còn bây giờ, giá mua sữa nguyên liệu có tăng nhưng giá thức ăn đầu vào cho bò tăng cao hơn nên tính ra người chăn nuôi chỉ lấy công làm lãi”.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội cho biết, câu chuyện giá sữa đang có những uẩn khúc. Đó là người nông dân trực tiếp sản xuất ra sữa thì lại không được hưởng mức lợi nhuận tương ứng với mỗi lần sữa tăng giá. “Hệ thống phân phối chưa được xây dựng và chưa quan tâm đúng mức, chuỗi sản xuất phân phối hiệu quả từ sản xuất đến bán lẻ chưa được thiết lập một cách đầy đủ. Người nông dân đang bị ép giá” - ông Phú nhấn mạnh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem