Gia tài "khủng" vô giá của nghệ sĩ cải lương Thanh Tòng

Thứ sáu, ngày 23/09/2016 08:30 AM (GMT+7)
Nghệ sĩ Thanh Tòng qua đời để lại gia tài vô giá cho sân khấu cải lương. Ông đã bốn lần đoạt huy chương vàng, sáu lần đoạt huy chương bạc trong các lần hội diễn sân khấu toàn quốc. Năm 2007, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Bình luận 0

Tin Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tòng qua đời sáng 22.9 được giới nghệ sĩ và khán giả mộ điệu cải lương xem là mất mát lớn của nền sân khấu. Bởi từ lâu, NSND Thanh Tòng được tôn vinh như "thống soái" cải lương tuồng cổ.

img

Nhiều nét diễn của NSND Thanh Tòng trở thành khuôn mẫu để thế hệ nghệ sĩ sau học hỏi và nối tiếp.

Thanh Tòng là hậu duệ đời thứ tư trong gia tộc đến nay có sáu đời theo nghề hát nổi tiếng miền Nam. Bà cố nội ông là chủ gánh hát bội Vĩnh Xuân, ông nội ông là bầu Thắng - kép hát bội lừng danh của đất Sài Gòn xưa, còn cha ông là nghệ sĩ Minh Tơ. Các tên tuổi như: Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc, đạo diễn Phượng Hoàng... là em cô cậu của ông. Còn lớp diễn viên trẻ như: Tú Sương, Trinh Trinh, Thanh Thảo... là cháu ông.

Từ năm ba tuổi, Thanh Tòng được gia đình hướng theo nghề hát, cho xuất hiện trên sân khấu hát bội của ông nội. Sáu tuổi, ông diễn vở San Hậu. Từ đó, ông được cha liên tục cho rèn luyện về cách diễn xuất, hóa thân nhiều dạng nhân vật, kể cả học tân nhạc, nhảy thiết hài và các kỹ năng sân khấu. 10 tuổi, Thanh Tòng đóng vai Lữ Bố trong đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Qua nhiều vai diễn, ông được báo chí Sài Gòn thời đó gọi là "thần đồng sân khấu".

Ở Sài Gòn ngày trước, khán giả chuộng làn sóng phim ảnh nước ngoài, làn sóng vở tuồng từ Đài Loan, Quảng Đông (Trung Quốc)... Nghệ sĩ Minh Tơ và em rể là NSND Thành Tôn (cha của nghệ sĩ Thành Lộc) thực hiện các vở cải lương lấy cảm hứng từ tuồng nước ngoài nhưng chen vào trình thức hát bội, sử dụng giai điệu cải lương. Đây là nền tảng cho bộ môn cải lương hồ quảng ra đời.

img

Trong ảnh là các nghệ sĩ (từ trái qua): Trọng Hữu, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Giàu, Thanh Tòng và Lệ Thủy. Ảnh: Thanh Hiệp.

Thanh Tòng đã tích cực kế thừa thành tựu của cha. Chưa đầy 30 tuổi, ông được báo chí thời đó tiếp tục phong là ''Vua cải lương hồ quảng" với nhiều tác phẩm được khán giả yêu thích như: Phạm Lãi - Tây Thi, Võ Tòng sát tẩu...

Giới chuyên môn nhận định gia tộc "Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng" là có công trong việc hình thành, phát triển cải lương tuồng cổ thoát dần ảnh hưởng từ nước ngoài ở giai điệu, ca từ và nội dung. Trong đó, Thanh Tòng góp công sức lớn.

Thập niên 1980 là thời kỳ rực rỡ của Thanh Tòng qua vai trò tác giả - đạo diễn. Ông sáng tác và dàn dựng thành công nhiều tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước, anh hùng dân tộc, trong đó có nhiều tuồng kinh điển như: Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long.

Tiếp bước người cha tài năng, ở hậu trường sân khấu, Thanh Tòng thể hiện khả năng quản lý đoàn hát, viết kịch bản, soạn vở, đạo diễn các tác phẩm tuồng cổ. Sau năm 1975, ông lập một nhóm hát thường xuyên, gây quỹ xây dựng nhà truyền thống sân khấu ở số 33 Cô Bắc (quận 1, TP HCM) nhờ đó đưa nhiều diễn viên lên hàng sao của sân khấu cải lương như: Ngọc Đáng, Hữu Lợi, Tài Linh, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Thoại Mỹ... Ông là người thầy truyền nghề hát cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương trong nước.

Đạo diễn, diễn viên Hữu Quốc chia sẻ điều anh nhớ nhất về nghệ sĩ Thanh Tòng là cách làm việc của một bậc thầy sân khấu có tác phong đàng hoàng, chỉn chu. 

Hữu Quốc nhớ, khoảng 3-4 năm trước, khi biết anh có việc ra miền Bắc công tác, nghệ sĩ Thanh Tòng nhờ anh trao tiền tác quyền cho tác giả vở cải lương Câu thơ yên ngựa - ông Ngọc Văn. Số tiền không nhiều nhưng khiến tác giả rất xúc động vì tấm lòng người nghệ sĩ dành cho nhau.

"Khi dựng vở, ông luôn tôn trọng tác quyền của soạn giả. Ông kỹ tính trong việc sử dụng các điệu thức hát bội xưa. Ông là người vừa có tâm, vừa có tài, góp sức cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội đưa nghệ thuật sân khấu cải lương lên tầm vóc riêng trong làng nghệ thuật", Hữu Quốc nói.

img

NSND Thanh Tòng và NSƯT Quế Trân giao lưu văn hóa với nghệ sĩ sân khấu cổ truyền Nhật Bản.

Ở phương diện người nghệ sĩ, Thanh Tòng để lại dấu ấn và ảnh hưởng lớn cho thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này. Ông có tài diễn xuất đa dạng với lối diễn sâu sắc, nhập vai trọn vẹn vào từng nhân vật và giọng hát mạnh mẽ, đầy nội lực.

Khán giả mộ điệu cải lương luôn ghi nhớ hình ảnh Thanh Tòng trong vai đại thần Lý Đạo Thành đầy uy dũng của vở Câu thơ yên ngựa, vai Lữ Bố với đầy đủ nét diễn duyên dáng, lẳng, hài hước trong tuồng cải lương hồ quảng Phụng Nghi Đình... Nhiều nét diễn của ông được các nghệ sĩ thế hệ sau xem là khuôn mẫu kinh điển để học tập và tiếp nối.

Năm 1984, khi tham gia đoàn nghệ sĩ mang vở Đời cô Lựu lưu diễn ở châu Âu ông được chọn đóng thế nghệ sĩ Thành Được vai Hai Thành. Theo ông, đây là vai  hay nhất trong các vai đóng thế của mình. Lần lượt, diễn xuất của Thanh Tòng trong các vở Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa... cho thấy tầm vóc của ông không dừng ở cải lương tuồng cổ mà còn tỏa sáng ở vở mang đề tài xã hội đương đại.

Diễn xuất bền bỉ và gắn bó với sân khấu cải lương ở nhiều vai trò, Thanh Tòng chứng kiến nhiều thăng trầm của bộ môn nghệ thuật truyền thống. Ông đã bốn lần đoạt huy chương vàng, sáu lần đoạt huy chương bạc trong các lần hội diễn sân khấu toàn quốc. Năm 2007, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Những năm cuối đời, dù mang trong người nhiều bệnh, ông luôn đau đáu việc gầy dựng lại sức sống cho nghệ thuật cải lương. Trước khi mất, ông còn ấp ủ ý tưởng lập câu lạc bộ cải lương tuồng cổ cho lớp diễn viên trẻ từng đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang.

Nghệ sĩ Tú Sương - cháu Thanh Tòng - kể, một thời gian trước khi mất, dù bệnh, ông vẫn theo con gái - Nghệ sĩ Ưu tú Quế Trân - đi diễn, chấm thi và tham gia dàn dựng vở.

"Lần gần nhất tôi đứng chung sân khấu với cậu Tòng là trong chương trình 'Vầng trăng cổ nhạc'. Cậu tham gia dàn dựng các tiết mục của chương trình. Trong đại gia đình nghệ thuật, cậu luôn dặn dò con cháu lúc nào cũng phải hết mình trên sân khấu. Khi tôi kết hôn, cậu buồn và khóc vì sợ tôi bỏ nghề. Cậu dành cho tôi rất nhiều lời khuyên về giữ gìn đạo nghề", Tú Sương chia sẻ.

Niềm hạnh phúc và tự hào lớn của nghệ sĩ Thanh Tòng là con gái ông - nghệ sĩ Quế Trân - đã thành danh khi tiếp bước cha ông giữ "ngọn lửa" nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, các diễn viên nhỏ tuổi như: Hồng Quyên, Tú Quyên (con nghệ sĩ Tú Sương), bé Minh Khang (cháu nội NSND Thanh Tòng)... đang đi theo con đường nghệ thuật của gia tộc Bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng.

Mai Nhật -Thoại Hà (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem