Gia tăng các vụ đình công, ngừng việc tập thể là do đâu
Gia tăng các cuộc đình công, ngừng việc tập thể do đâu?
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 16/02/2022 12:20 PM (GMT+7)
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 28 cuộc đình công. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do bất đồng trong chính sách chi trả lương, thưởng tại doanh nghiệp. Ngoài ra, các vấn đề thiếu lao động, tình trạng tăng giờ làm thêm... cũng là nguyên nhân dẫn tới việc đình công, ngừng việc.
Thông tin từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, giảm 7 cuộc so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù tính chất, quy mô các cuộc đình công, ngừng việc tập thể không phức tạp, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người lao động chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với tết 2021, điều kiện trả thưởng…
Điển hình như cuộc ngừng việc tập thể kéo dài 4 ngày, xảy ra trước tết tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai. Có tới 16.158 lao động ngừng việc tập thể do không đồng ý việc công ty giảm tiền thưởng cuối năm 2021 so với năm 2020 là 30%.
Những ngày sau tết, 3 cuộc ngừng việc tập thể liên tiếp xảy ra tại Công ty TNHH Viet Glory (sản xuất giày, dép) tại Nghệ An; Công ty TNHH Vietnergy (Đài Loan, sản xuất giày, dép) tại Ninh Bình và tại Công ty TNHH Phúc Mậu tại Thái Bình...
Nguyên nhân là do người lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc Covid-19; phản ánh việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động.
Ngày 16/2, thông tin từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa có công văn hỏa tốc Số 3649, do ông Phan Văn Anh - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ký ngày 15/2 gửi Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, công đoàn trung ương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn về việc Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra 5 biện pháp để phòng ngừa, giải quyết khi có tranh chấp lao động, hoặc ngừng việc tập thể.
Ngoài các nguyên nhân trên, ông Phan Văn Anh - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng còn có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém...
Trước tình hình trên, tổ chức công đoàn phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết. Với sự vận động, thuyết phục, hỗ trợ của tổ chức công đoàn cùng các cơ quan chức năng, toàn bộ người lao động tại các công ty đã quay trở lại làm việc.
Ông Phan Văn Anh cho biết, trong năm 2022, các cấp công đoàn tiếp tục xác định chủ đề của năm là "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; các cấp công đoàn sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó quan tâm nội dung việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp”.
Điều này được xem là kênh giúp hạn chế tình trạng đình công, ngừng việc tự do xảy ra.
Đình công, ngừng việc là bình thường
Nhìn nhận ở góc độ khách quan hơn, chuyên gia trong lĩnh vực lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng việc đình công, ngừng việc là việc khá bình thường ở bất cứ nền kinh tế thị trường nào.
Bà Hương nói, dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường lao động bị tác động lớn. Sau một thời gian người lao động mất việc, ngừng việc, công ty thì ngừng hoạt động doanh thu giảm... điều này đã khiến cho mối quan hệ lao động rất căng thẳng. Vì thế, tới Tết khi các doanh nghiệp chi lương, thưởng Tết, người lao động sẽ so sánh, tính toán. Nếu họ cảm thấy chế độ phúc lợi, mức chi của công ty không xứng đáng họ sẵn sàng đình công.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Hương, hiện nay tình trạng thiếu lao động đang diễn biến phức tạp, cục bộ, nên người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc tốt, chế độ lương thưởng cao. Vì vậy, họ có quyền ra ưu sách với doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực thì việc đình công cũng là tín hiệu tốt cho thấy vai trò, sức mạnh của người lao động trong việc đòi hỏi thương thảo quyền lợi. Điều này góp phần cải thiện quan hệ lao động theo hướng tiến bộ, bình đẳng", bà Hương nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.