Không chỉ giá thép tăng chóng mặt từ sau Tết Nguyên đán, giá một loạt vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, gạch, đá… cũng đồng loạt "lên đồng" tăng theo gần đây.
Giá thép tăng, cát, đá, xi măng... cũng "lên đồng"
Ghi nhận tại thị trường TP.HCM, giá gạch, đá, xi măng… và một số loại vật liệu xây dựng khác có xu hướng tăng 20-30% so với trước Tết.
Các cửa hàng vật liệu xây dựng báo giá xi măng Bỉm Sơn tăng ít nhất 30.000 đồng/tấn, nhỉnh hơn một chút là các thương hiệu khác, tăng 40.000 đồng/tấn. Gạch ốp các loại tăng ít nhất 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng lên 3.700 đồng/viên. Nguyên nhân là giá các nguyên liệu đầu vào như than, điện, thạch cao, xăng dầu… thời gian qua liên tục tăng giá.
Cát xây dựng cũng tăng hơn 40.000 đồng/khối nhưng người bán nói khó để đặt số lượng lớn, nhà thầu xây dựng phải đặt sớm để giữ chỗ. Giải thích về việc nay, người bán lẫn nhà thầu cho hay việc khai thác cát đang gặp nhiều khó khăn.
Giá thép hiện chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án. Giá thép tăng gần gấp rưỡi so với thời điểm nửa năm trước, ngấp nghé 18 triệu đồng/tấn; nhiều loại vật liệu xây dựng khác tăng vọt tạo áp lực lớn cho nhà thầu. Nguyên nhân là các chủ đầu tư đa số sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Khi giá thép tăng vọt, nhà thầu đang phải tự bù lỗ.
Đáng chú ý, giá thép và các loại vật liệu xây dựng khác chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Hôm qua (12/5) sau vài ngày nín thở chờ giá, các đại lý, nhà thầu xây dựng đã nhận được thông báo tăng giá thép của các "ông lớn" Hoà Phát, Việt Đức, Việt Ý… với mức tăng lên đến 500.000 đồng/tấn.
Cụ thể, sản phẩm thép cây và thép cuộn các loại của Hòa Phát tăng 500.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Sau khi tăng, thép cuộn CB240 Hòa Phát được bán với giá 17,96 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 có giá 17,81 triệu đồng/tấn.
Công ty CP Sản xuất Thép Việt Đức áp dụng tăng 500.000 đồng/tấn với thép cây và thép cuộn các chủng loại VGS, riêng thép cây D10 các chủng loại VGS tăng thêm 600.000 đồng/tấn (chưa gồm thuế VAT 10%). Tại miền Bắc, sau khi tăng, thép cuộn CB240 của Việt Đức có giá 17,81 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 là 17,61 triệu đồng/tấn.
Thông tin từ các đại lý cho hay với cách thông báo lấp lửng, giải thích do giá nguyên liệu đầu vào tăng và áp dụng cho đến khi có thông báo mới, rất có thể sẽ có một đợt tăng giá nữa trong vài ngày tới, bất chấp cơ quan quản lý lên tiếng.
Bộ Xây dựng: Giá thép tăng không theo quy luật thông thường
Trong văn bản "cầu cứu" Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định: "Các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản". Ông đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành sớm kiểm tra, xử lý triệt để giá thép tăng chóng mặt.
Ông cũng kiến nghị các Sở Xây dựng phải cập nhật kịp thời đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho nhà thầu, bởi với các dự án đầu tư vốn ngân sách đang phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá hiện nay.
Liên quan giá vật liệu xây dưng tăng vọt, Bộ Xây dựng xác nhận: Giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.
Bộ cho rằng Chính phủ có quy định UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết.
Tuy nhiên, hiện việc công bố giá vật liệu xây dựng một số địa phương còn chậm, biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.
Trong công văn mới nhất hôm 10/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng yêu cầu các tỉnh thành chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường để cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của đầu cơ, thổi giá.
"Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn", Bộ Xây dựng yêu cầu.
Hiệp hội Thép muốn bình ổn thép trong nước
Trước diễn biến giá thép gây tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Đồng thời, tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá thép trong nước.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch bán hàng trong quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để Hiệp hội báo cáo với cơ quan nhà nước, góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.