Một tháng, giá thức ăn chăn nuôi tăng 6 - 7 lần, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đau đầu lo giảm chi phí

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 10/05/2021 15:15 PM (GMT+7)
Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng phi mã từ đầu năm 2020 đến nay trong khi giá lợn hơi, giá gia cầm có xu hướng giảm. Để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đã tìm cách tự phối trộn thức ăn.
Bình luận 0

Giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 6, 7 lần

Theo khảo sát, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi các loại đã tăng mạnh, bình quân 20-30%.

Theo Công ty ANOVA FEED - một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 6-7 đợt trong tháng qua.

Cụ thể, Công ty Vina miền Bắc (nhà máy Hải Dương và Hà Nam) vừa niêm yết bảng giá mới. Theo đó, từ ngày 10/5, sản phẩm 100S của công ty tăng tới 3.000 đồng/kg; các sản phẩm còn lại tăng giá 300 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Guyomarc'h - VCN với các thương hiệu PRESENCE, COFNA, EVIALIS cũng tăng từ 300 - 400 đồng/kg từ ngày 7/5/2021.

Trước đó, từ ngày 3/5/2021, Công ty Cổ phần ABC Việt Nam cũng thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp ABC, Hoàng Phát.

 Trong đó, mã sản xuất Baby 01 tăng 4.000 đồng/kg. Mã các sản phẩm H56A, H56S, A2A, GT1 tăng 6.000 đồng/kg. Các loại còn lại tăng 330 đồng/kg...

Trao đổi với báo chí về tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ đầu năm 2020 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nguyên nhân là do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng tăng với tốc độ chóng mặt.

"Một trong những nguyên nhân khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao là do dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường nông sản toàn thế giới, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc vận chuyển khó khăn do tình trạng thiếu container" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt: Bộ NNPTNT chỉ đạo “nóng”  - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, hộ chăn nuôi lợn ở Bắc Giang lo lỗ vốn (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Ngọc

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh đó, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong tình hình mới. 

"Theo nhận định, giá thức ăn chăn nuôi có thể chưa hạ nhiệt cho tới quý II/2021, trong khi giá thức ăn chăn nuôi quyết định tới 65 - 70% giá thành sản xuất nên cần phải đưa ra những giải pháp căn cơ để đảm bảo ổn định chăn nuôi. Bộ NNPTNT đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ được tăng giá thức ăn chăn nuôi 10 - 15%" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi tìm cách gỡ khó

Giá thức ăn chăn nuôi tăng trong bối cảnh giá heo hơi, giá gia cầm có xu hướng giảm khiến các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi không khỏi lo lắng. 

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, trong quý I/2021, giá lợn hơi trong nước có xu hướng giảm. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Tương tự, giá gà công nghiệp miền Bắc giảm 9.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp miền Trung giảm 6.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp miền Đông và miền Tây Nam Bộ giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg, xuống còn 19.000 - 20.000 đồng/kg. Giá gà có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đại diện các công ty chăn nuôi cho biết, với mức giá heo hơi, giá gia cầm như hiện nay, các công ty nuôi với quy mô lớn sẽ giảm được giá thành, nuôi lợn vẫn đang có lãi. Nhưng nếu nuôi với quy mô nhỏ, giá thành sẽ cao nên mức lãi không còn nhiều. Đặc biệt, người nuôi gà, vịt đang lỗ nặng vì giá cám quá cao mà giá gia cầm, trứng gia cầm đang quá rẻ. 

Để giảm chi phí sản xuất do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đã tìm cách tự phối trộn thức ăn. 

Trên diễn đàn của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhiều công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi đã được chia sẻ.

Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem