Mạo hiểm với giống tiêu lạ
Từng được mệnh danh là “thủ phủ” hồ tiêu của Gia Lai, thì nay huyện Chư Sê đã trở thành “thủ phủ” nợ nần bởi chỉ sau mấy năm, hàng nghìn ha tiêu bỗng dưng bị bệnh rồi chết “trắng” trụ, trong khi giá hạt tiêu thì ngày càng rớt thê thảm.
Để tìm ra hướng đi mới cho người dân, HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê đã thí điểm mô hình tiêu lốt, cung cấp giống, ký kết và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con.
Giá tiêu giảm sâu, những người dân ở "thủ phủ" hồ tiêu Gia Lai loay hoay tìm hướng đi bằng giống tiêu mới. Ảnh: T.H
Với diện tích 6ha, 30 hộ tham gia sẽ được HTX cấp giống và ký kết bao tiêu sản phẩm, ngược lại người dân sẽ phải sản xuất theo đúng quy trình trồng tiêu hữu cơ. Theo người dân, hiện tại HTX đang thu mua với giá 140.000 đồng/kg tiêu khô và 40.000 đồng/kg tiêu tươi...
Cũng chính vì nhận thấy loại tiêu này được giá nên nhiều người đã tiến hành trồng tự phát, ký kết hợp đồng với các công ty bên ngoài HTX. Đơn cử như anh Phạm Trọng Thiện (làng Roh, xã Al Bá, Chư Sê) đã mua 2.000 cây giống để trồng tái canh trên diện tích tiêu bị chết của mình. Vì chưa biết cách chăm sóc, nên vườn tiêu của anh tiếp tục chết gần hết.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Thiện bộc bạch: “Mình không muốn ký hợp đồng với HTX, mình muốn làm ăn tự do nên chỉ ký hợp đồng với các công ty bên ngoàI do việc nhận tiền, trao hàng nhanh gọn, giá bán dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/kg (nếu tiêu đẹp có thể tăng lên 130.000 đồng/kg).
Thấy nhiều người trồng, giá cả cũng được nên mình mạo hiểm trồng thôi, còn đầu ra mai sau thì ai biết thế nào. Giờ mỗi cây trồng một ít, chứ để đất trống lấy gì ăn? Sắp tới, mình cũng đang có ý định sẽ mở rộng diện tích tiêu lốt để cung cấp ra thị trường”.
Vườn tiêu lốt của anh Phạm Trọng Thiện đang phát triển kém, còi cọc... Ảnh: T.H
Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu lưu ý: “Tiêu lốt là giống mới, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ nên bà con cần cẩn thận khi trồng. Theo tôi được biết, tiêu lốt cũng là một loại cây trồng để thu hoạch hạt làm gia vị. Còn giá trị về mặt dược liệu, cần phải có nghiên cứu sâu hơn…”. |
Cũng theo anh Thiện, hiện tại gia đình anh chưa có đủ sản phẩm cung cấp cho công ty này nên đang tích cực mở rộng thêm diện tích, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Là 1 trong 30 hộ đang tiến hành thử nghiệm chăm sóc, sản xuất tiêu lốt theo hướng của HTX, ông Nguyễn Văn Nghị (xã Al Bá, huyện Chư Sê) bộc bạch: “Những năm vừa qua, dịch bệnh gây hại đã làm vườn tiêu Vĩnh Linh nhà tôi chết gần hết. Đang loay hoay không biết nên trồng cây gì thì HTX có giới thiệu tiêu lốt, giống tiêu cho thu hoạch quanh năm và chỉ 6 tháng đã cho ra hoa. Hiện tại, tôi trồng 1.200 trụ, tiêu đã được 20 tháng, phát triển rất nhanh.
Quy trình chăm sóc tiêu lốt khác với tiêu bình thường ở giai đoạn tưới nước và bón phân, vì tiêu lốt cho thu hoạch quanh năm nên phải bổ sung lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn. HTX đang thu mua với giá 140.000 đồng/kg tiêu khô”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Huỳnh Châu (TP.Hồ Chí Minh) để thu mua sản phẩm giúp các hộ dân.
Hướng đi có an toàn?
Để tìm hiểu sâu hơn về giống tiêu lốt, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Trọng – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê.
Ông Trọng cho hay: “Qua nhiều lần thử nghiệm và đưa mẫu đi nghiên cứu tại các viện nghiên cứu cây trồng phân tích, vào năm 2014 chúng tôi đã đưa giống tiêu lốt vào trồng khảo nghiệm với sự tham gia của 30 xã viên trong HTX. Giống tiêu lốt này có thời gian từ lúc trồng đến bắt đầu thu hoạch chỉ 6 tháng và có thể thu hoạch được quanh năm, đây cũng là một loại dược liệu. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa thể cho người dân tham gia HTX để trồng tiêu lốt một cách ồ ạt, dù đang thiếu sản phẩm để cung cấp cho công ty”.
Cũng theo ông Trọng, do đây là loại tiêu mới, thị trường còn ít nên HTX chỉ ưu tiên cho các xã viên trồng, chăm sóc theo quy trình tiêu sạch, cam kết không sử dụng thuốc hóa học và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên. Những hộ dân trồng tự phát trên địa bàn và các huyện lân cận cũng liên hệ bán tiêu nhưng hiện HTX chỉ thu mua sản phẩm cho các xã viên, những hộ sản xuất theo đúng quy trình tiêu sạch.
“Hiện tại, HTX vẫn đang trong quá trình khảo nghiệm giống tiêu mới này nên không mở rộng diện tích. Chúng tôi đang có đợt “sàng lọc” các xã viên có mong muốn tham gia ký kết hợp đồng sản xuất tiêu lốt. Bên cạnh đó, HTX cũng đang có kế hoạch đóng gói sản phẩm tiêu mới và tìm kiếm thêm đối tác thu mua giúp bà con...” - ông Trọng cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết thêm: “Tiêu lốt là giống mới, đang trong quá trình khảo nghiệm và hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật trồng cũng như chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên nông dân cần cân nhắc trước khi trồng. Đặc biệt, khi trồng cần tuân thủ mọi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, cần tránh tình trạng mở rộng ào ạt, không theo HTX”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.