Giá tiêu trắng hơn 5.000 USD/tấn, tại sao Việt Nam không làm nhiều tiêu trắng?
Giá tiêu trắng hơn 5.000 USD/tấn, các nhà hàng Âu ưa chuộng, tại sao Việt Nam không làm nhiều tiêu trắng?
Thiên Ngân
Thứ năm, ngày 13/07/2023 15:23 PM (GMT+7)
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 5/2023 đạt 3.540 USD/tấn, giá tiêu trắng đạt 5.024 USD/tấn, tăng lần lượt 85 và 154 USD/tấn so với tháng trước. Tiêu trắng (còn gọi là tiêu sọ) luôn có giá cao hơn, vì sao Việt Nam không sản xuất nhiều tiêu trắng?
Xuất khẩu tiêu trắng của Việt Nam chiếm chưa đến 9% sản lượng
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tháng 6/2023, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh do nhu cầu từ Trung Quốc giảm. Cụ thể, việc thu mua liên tục từ đầu năm đến nay (đạt gần 50.000 tấn) cho thấy có thể nguồn hàng dự trữ đã được Trung Quốc mua gần đủ nên họ chưa cần thiết mua thêm vào nhiều. Bên cạnh đó, việc EU đưa ra quyết định không nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản được trồng trên đất từ phá rừng cũng tác động tiêu cực lên giá hạt tiêu.
Khảo sát của PV Dân Việt cho thấy, giá tiêu hôm nay 13/7 không đổi so với hôm qua. Trong đó, giá tiêu hôm nay tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đạt mức 70.000 đồng/kg; giá tiêu tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông đạt 69.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước ở mức 68.000 đồng/kg, còn tại Gia Lai đạt 68.000 đồng/kg.
Mức giá tiêu như hiện nay đã giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2023. Trong bối cảnh đó, giá hạt tiêu trắng cũng giảm, hiện ở mức 103.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2023 và thấp hơn so với mức 109.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 6/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 25.000 tấn, trị giá 92 triệu USD, giảm 13,6% về lượng, nhưng tăng 2,0% về trị giá so với tháng 5/2023, so với tháng 6/2022 tăng 3,4% về lượng, nhưng giảm 8,2% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 156.000 tấn, trị giá 498 triệu USD, tăng 26,6% về lượng, nhưng giảm 11,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tháng 5/2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 25.850 tấn tiêu đen và 2.909 tấn tiêu trắng. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 5 đạt 3.540 USD/tấn, giá tiêu trắng xuất khẩu đạt 5.024 USD/tấn, tăng lần lượt 85 và 154 USD/tấn so với tháng trước.
Trong khối doanh nghiệp thành viên của VPA, Nedspice là doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn nhất với 1.914 tấn, tăng 34%. Đứng thứ 2 là Công ty CP Phúc Sinh với 1.697 tấn, tăng 43,8%; tiếp đến là Pearl Group với 1.481 tấn, giảm 16,5%...
Năm 2022, tiêu đen nguyên hạt vẫn là chủng loại xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam, chiếm tới 71,9% tỷ trọng với 166.793 tấn. Đứng thứ hai là tiêu đen xay, đạt 33.410 tấn, chiếm 14,4%; tiếp theo là tiêu trắng nguyên hạt, với 20.517 tấn, chiếm 8,89%; còn lại 4,1% là tiêu trắng xay và 0,8% là tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng…
Sản lượng tiêu trắng vẫn chiếm phần nhỏ
Khi sản lượng hồ tiêu của nước ta mới chỉ có vài ngàn tấn, bà con nông dân đã biết cách chế biến tiêu trắng (tiêu sọ). Khi trái tiêu chín đều trên cây, người dân sẽ tiến hành thu hái, ngâm ủ, chà, đãi sạch vỏ để làm ra những hạt tiêu có màu trắng ngà, rồi phơi khô, đóng gói.
Về lí thuyết thì loại tiêu đen nào cũng có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất tiêu trắng, nhưng muốn đạt chất lượng và giá trị cao, thì phải chọn tiêu đen xô đã được quạt, sàng, đạt dung trọng 600 - 620 g/l (đóng 20 – 25 kg/bao, ngâm, ủ trong bể nước 8-10 ngày); chà, rửa tách vỏ quả, rửa sạch lấy tiêu sọ (có thể ngâm tiêu sọ trong nước sạch 1 - 2 ngày để khử mùi hôi). Phơi khô đạt độ ẩm 12 – 13o, đóng bao 2 lớp (có thể trữ được cả năm).
Tiêu sọ được coi là mặt hàng gia vị quý hiếm, nên có giá khá cao, thường gấp 1,5 lần tiêu đen.
Do giá trị tiêu trắng đạt cao nên việc chế biến tiêu trắng từ hộ nông dân đến các doanh nghiệp đã phát triển nhanh chóng. Ở các địa phương như Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu có đến hàng chục cơ sở chế biến tiêu sọ, mỗi cơ sở sản xuất từ 500 - 3.000 kg tiêu sọ/ngày.
Hay như ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), nhiều hộ nông dân vừa trồng tiêu, vừa thu mua, vừa chế biến tiêu sọ, công suất lên đến 1 tấn/ngày/hộ. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đảo Phú Quốc cũng có khá nhiều cơ sở, hộ gia đình chế biến tiêu trắng.
Một số nhà máy chế biến tiêu trắng với số lượng lớn đã được trang bị công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về công dụng của hạt tiêu sọ cũng tương tự loại tiêu thường. Tuy nhiên, hạt tiêu sọ có mùi rất thơm, không quá nồng như tiêu thường. Nguyên nhân là do quá trình thu hoạch và chế biến, hạt tiêu sọ mất đi lớp vỏ bên ngoài nên lượng tinh dầu giảm đi đáng kể. Tuy nhiên khi chế biến món ăn thì tiêu sọ lại có mùi thơm nồng đậm hơn tiêu đen do đã được lên men một thời gian và thường được dùng với công dụng tăng hương vị món ăn.
Hạt tiêu sọ sau khi được loại bỏ vỏ ngoài và phơi khô thì sẽ giữ được rất lâu, tránh được tình trạng ẩm mốc. Màu trắng ngà hoặc màu xám của tiêu sọ cũng rất đẹp mắt, nên thường được nhiều nhà hàng ưa thích, đặc biệt là những nhà hàng Âu.
Năng lực sản xuất tiêu trắng của Việt Nam rất lớn và hiệu quả kinh tế cũng khá hấp dẫn đối với nông dân và các cơ sở thu mua chế biến xuất khẩu hạt tiêu. Tuy nhiên, so với các nước như Malaysia, Indonesia, hay Trung Quốc, Việt Nam chưa có lợi thế với tiêu trắng vì các nước nói trên đã có kinh nghiệm sản xuất và khách hàng truyền thống tiêu thụ tiêu trắng từ lâu.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu trắng trên thế giới hiện nay chỉ cần khoảng 30.000 tấn/năm. Vì vậy theo các chuyên gia, Việt Nam cũng không thể sản xuất quá nhiều tiêu trắng, sẽ có nguy cơ cung vượt cầu, giá giảm sút.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.