Nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng ngành tôm đang hiển hiện
Giá tôm giảm sâu, nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất, cung ứng ngành tôm
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 01/09/2021 08:12 AM (GMT+7)
Dịch Covid -19 khiến sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn. Từ doanh nghiệp đến chính quyền địa phương đều lo ngại nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng ngành tôm đang hiển hiện.
Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau là 3 địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước.
Các doanh nghiệp chế biến tôm tại 3 địa phương này cho biết, khi các tỉnh thành phía Nam cùng thực hiện giãn cách xã hội, việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay cả các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.
Tình hình đi lại khó khăn giữa các tỉnh thành khiến hoạt động thả nuôi tôm vụ mới có xu hướng trầm lắng. Dự báo giai đoạn cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng.
Tại lễ ra mắt Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản do Bộ NNPTNT tổ chức trực tuyến ngày 31/8, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giá tôm trên địa bàn tỉnh đang rất thấp.
Giá tôm các loại hiện đang giảm từ 8.000-23.000 đồng/kg. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu.
"Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Mà đã thua lỗ thì khả năng tái sản xuất là rất khó", ông Sử nói.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, các biện pháp quản lý kiểm soát dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất; thậm chí có lúc gây ra rất khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Đến nay, tỉnh Cà Mau đã tổ chức cho gần 40 doanh nghiệp chế biến nông sản nói chung, cùng với gần 10.000 công nhân hoạt động.
Trong khi đó, số công nhân của toàn tỉnh khoảng 20.000 người. Như vậy công suất hoạt động của doanh nghiệp đã giảm khoảng 50%.
Cà Mau ưu tiên cho phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình để tạo điều kiện cho sản xuất. "Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở", ông Sử bày tỏ lo ngại.
Theo Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), ngành tôm tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm...
Ông Đinh Xuân Lập - Phó giám đốc ICAFIS cho biết, năm 2020, nhờ thành công trong việc kiểm soát Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ.
Tuy nhiên, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp từ nửa đầu năm 2021 đến nay khiến ngành tôm gặp nhiều khó khăn.
"Nguy cơ đổ gãy chuỗi sản xuất và cung ứng ngành tôm đang hiển hiện", ông Lập nhận định.
Đại diện của Thuận Phước Corp thì cho biết, sau khi TP.Đà Nẵng thông báo giãn cách thì toàn bộ doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đóng cửa. Một số doanh nghiệp dự kiến thực hiện 3 tại chỗ để sản xuất cầm cự nhưng thiếu trầm trọng công nhân chế biến sâu.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Đà Nẵng xác định, nếu mở cửa hoạt động thì chỉ thu mua tôm nguyên liệu để làm hàng tôm PD đơn giản. Tuy nhiên, giá tôm loại này của Việt Nam không thể cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và Ecuador.
Đại diện Thuận Phước Corp đề nghị Nhà nước xem xét mở quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chung tay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đồng tình, ông Lê Văn Sử cho rằng, việc kết nối tiêu thụ nông sản của Bộ NNPTNT thời gian rất hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ được vẫn còn quá ít so với số lượng sản xuất ra.
"Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ, thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất", ông Sử kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.