TS Lê Đăng Doanh: Khát vọng dân tộc - động lực đưa kinh tế chuyển mình

Huyền Anh Thứ năm, ngày 02/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, khát vọng dân tộc là động lực trong suốt 76 năm qua, đưa Việt Nam từ nước đói nghèo nay đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình với GDP lên tới 3.520USD/người.
Bình luận 0
gop/ Khát vọng dân tộc - động lực đưa kinh tế chuyển mình   - Ảnh 1.

TS Lê Đăng Doanh. Ảnh: NVCC

Khát vọng trở thành quốc gia xuất khẩu "đáng gờm"

Xin ông chia sẻ những con số ấn tượng của kinh tế Việt Nam từ năm 1945 cho tới nay?

- Sự chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong 76 năm qua, đã thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam.

Báo cáo đánh giá toàn diện Việt Nam năm 2016 của WorldBank nhận xét, từ một trong những nước nghèo nhất cách đây mới chỉ một thế hệ, Việt Nam nổi lên thành quốc gia thu nhập trung bình với một nền kinh tế năng động. Từ chỗ đứng ngoài vòng quay thương mại thế giới khi bắt đầu công cuộc chuyển đổi, Việt Nam ngày nay là quốc gia xuất khẩu đáng gờm và điểm đến lớn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thực tế, từ nước nghèo đói năm 1945, tăng trưởng kinh tế của thời kỳ 1992-1997 cao gấp hơn hai lần giai đoạn 1977-1991. GDP tăng gấp đôi sau 10 năm Đổi mới, lạm phát giảm về dưới 10% những năm đầu thập niên 90. Năm 1996, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã vượt 10 tỷ USD.

Đến nay, quy mô nền kinh tế đứng trong top 45 thế giới. Mặc dù năm 2020, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương.

gop/ Khát vọng dân tộc - động lực đưa kinh tế chuyển mình   - Ảnh 2.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: L.T

Bắt kịp thời đại, đi cùng thế giới!

"Sự phát triển kinh tế của nước ta càng ngày càng thấy rõ khi chúng ta không chỉ là bắt kịp mà còn đi cùng với thời đại, đi cùng với thế giới.

Sự thay đổi của Việt Nam có thể gói gọn bằng 4 bước chuyển. Chuyển từ nước thu nhập thấp lên nhóm thu nhập trung bình, chuyển từ nền kinh tế đóng sang một nền kinh tế có độ mở cao, chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ và đặc biệt là chuyển từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Một điểm thay đổi lớn khác là giai đoạn trước kinh tế Nhà nước là chủ đạo, thì nay kinh tế tư nhân hiện nay đã được xem là một trong những trọng tâm", TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư chia sẻ.

Năm 1986 Việt Nam có GDP đạt khoảng 13 tỷ USD với GDP/người 235$/người, năm 2020 GDP cả nước đã vươn lên đạt 340 tỷ USD và GDP/người 3.520 USD/người, gấp 15 lần năm bắt đầu công cuộc Đổi Mới.

Chúng ta "thoát thai" từ cư dân nông nghiệp, có điểm hạn chế là dễ thỏa mãn, tầm nhìn không xa trở thành quốc gia có cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển theo hướng hiện đại, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và tăng khu vực công nghiệp và dịch vụ. 

Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, Việt Nam đã chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực.

Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, năm 2020 Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 19 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody's, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên Tích cực kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay.

Ông ấn tượng với giai đoạn phát triển nào nhất?

- Nếu nói về thời kỳ có nhiều ấn tượng nhất trong 76 năm qua có thể nói đó là giai đoạn từ 2006 đến nay, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Đây cũng là giai đoạn bùng nổ về thị trường tài chính, đặc biệt là sự ra đời và phát triển nhanh của thị trường chứng khoán và phát triển "Thánh Gióng" của các ngân hàng thương mại cổ phần với tổng tài sản tăng bình quân hàng năm lên tới 40 - 50%.

Đây là giai đoạn kinh tế tư nhân được khẳng định bằng Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2016, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân ra đời và trở thành trụ cột của nền kinh tế đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Cũng kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam gia nhập mạnh mẽ vào thương mại toàn cầu hóa, ký kết 14 hiệp định thương mại tự do và tham gia và nhiều thỏa thuận toàn cầu về kinh tế, môi trường văn hóa. Đây cũng là giai đoạn uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên mạnh mẽ, nhanh chóng.

Khát vọng lớn mạnh, vươn xa

Theo ông, động lực nào để đưa đất nước đi tới sự phát triển vượt bậc như ngày hôm nay?

- Trong lịch sử thế giới có rất nhiều quốc gia phát triển vượt bậc. Và sự hùng mạnh của mỗi đất nước ấy đều bắt nguồn từ chính khát vọng của cả dân tộc. Hàn Quốc sau chiến tranh Thế giới thứ 2 là một nước nghèo nàn, lạc hậu và bị tàn phá nặng nề trên mọi phương diện. Chính "khát vọng Đại Hàn", ý chí vượt qua nghịch cảnh của dân tộc đã dẫn dắt đất nước này đi qua những năm tháng khốn khó.

Nhật Bản là một đất nước khiến thế giới nể phục bởi tinh thần dân tộc quật cường. Một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh, Nhật đã vươn lên đứng vào hàng ngũ các nước phát triển chỉ trong một thời gian ngắn dù xuất phát từ một nền tảng rất khiêm tốn...

Với Việt Nam, khát vọng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước và trở thành một quốc gia - dân tộc có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu giống như ước nguyện của Bác Hồ vĩ đại chính là động lực đưa đất nước phát triển như ngay hôm nay.

Mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045, sẽ có những thay đổi nào trong bức tranh tăng trưởng, đặc biệt đối với nông nghiệp?

- Để trở thành một nền kinh tế phát triển, theo Ngân hàng Thế giới, GDP/người phải đạt 18.000 USD/người, kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo và thể chế kinh tế phải đạt trình độ cao, quan liêu, tham nhũng phải được kiểm soát, Việt Nam phải liên tục tăng trưởng cao khoảng 7%/năm.

Với giả định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%/năm giai đoạn 2021-2045, quy mô nền kinh tế khi đó sẽ đạt khoảng 1.850 tỷ USD (gấp 5,5 lần năm 2020), tương đương quy mô kinh tế của Hàn Quốc, Italia, Canada, Australia, Nga… năm 2020.

Về cơ cấu nền kinh tế, năm 2020, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam ước tính là khu vực nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 14,85% GDP; Công nghiệp - xây dựng 33,72%; Dịch vụ 41,63%, còn lại thuế sản phẩm 9,8%. Ước tính tốc độ tăng trưởng của 3 khu vực này và tham khảo mô hình phát triển của Hàn Quốc, Trung Quốc; đến năm 2045, khu vực nông-lâm-ngư nghiệp dự báo chiếm khoảng 10%; công nghiệp - xây dựng 37%; dịch vụ 45%, còn lại là thuế sản phẩm khoảng 8%.

Riêng khu vực nông nghiệp, năm 2045 phải là nền nông nghiệp phát triển, có hiệu quả và năng suất cao. Xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Lao động trong nông nghiệp phải có chuyên môn cao, có thu nhập tương đương với lao động trong các ngành nghề khác. Điều đó đòi hỏi nỗ lực của toàn thể nền kinh tế, đầu tư có hiệu quả vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem