Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cho hôm nay (8.5) ở mức 23.046 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Đây cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của tỷ giá trung tâm.
Trước đó, trong phiên giao dịch hôm 7.5, tỷ giá trung tâm đã được NHNN tăng thêm 10 VND/USD, ở mức 23.040 đồng. Với tỷ giá trung tâm này, biên độ giao động của đồng bạc xanh tại thị trường Việt Nam hôm nay ở mức 22.374 - 23.759 VND/USD (tối thiểu - tối đa).
Tỷ giá VND/USD ngân hàng“cán” mốc 23.428 đồng/USD, vượt tỷ giá chợ đen
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN với ngoại tệ này đã ở mức 23.200 đồng/USD giá mua vào và bán ra ở mức 23.687 đồng. Đây cũng là tỷ giá quy đổi cao nhất của đồng bạc xanh tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay.
Còn tại các NHTM, hàng loạt ngân hàng cũng đã tăng mạnh tỷ giá VND/USD. Hiện tỷ giá VND/USD mua bán cao nhất tại các ngân hàng thương mại 23.330 đồng/USD và 23.428 đồng/USD. So với phiên giao dịch ngày hôm qua, tỷ giá mua/bán VND/USD tại các NHTM tính tới thời điểm hiện tại tăng phổ biến từ 20 đến 25 đồng/USD. Sacombank là ngân hàng “mạnh tay nhất” khi tăng giá tỷ giá bán ra 38 đồng/USD lên 23.428 đồng/USD so với phiên liền trước.
Tăng mạnh tới 75 VND/USD chiều mua vào và 65 VND/USD bán ra so với phiên trước nhưng giá mua/bán đồng bạc xanh trong phiên giao dịch ngày hôm nay tại chợ đen giao động 23.365 đồng/USD – 23.375 VND/USD. Như vậy, giá USD tại thị trường tự do hiện vẫn thấp hơn khá nhiều so với thị trường chính thức từ 30-50 VND/USD.
Đây là đợt giá USD tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo lý giải của các ngân hàng, nguyên nhân là nhu cầu USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Điều này đã tạo áp lực đẩy giá USD tăng. Tới đây, khi thị trường ngoại tệ được bổ sung nguồn từ thanh toán xuất nhập khẩu, hoặc vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thì giá USD sẽ giảm trở lại.
Một nguyên nhân khác khiến giá USD bất ngờ "căng" ở thời điểm đầu tháng 5 được nhiều ý kiến cho là do chính sách thu hẹp đối tượng được vay USD theo Thông tư 42 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.
Theo đó các nhu cầu vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay không còn được thực hiện.
Thay vì vay các đối tượng thuộc diện nay sẽ phải "mua đứt bán đoạn" dẫn đến nhu cầu mua ngoại tệ tăng lên, qua đó cũng khiến giá USD tại ngân hàng nhích lên. Tuy nhiên theo các ngân hàng, đây là điều đã được dự báo từ trước.
Cũng phải nói thêm rằng, kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể sẽ là 325 tỷ USD các loại hàng hóa khác ngay trước thềm vòng đàm phán dự kiến diễn ra giữa tuần này tại Mỹ cũng đã lập tức tác động tới tỷ giá VND/USD. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy những dấu hiệu căng thẳng trong quan điểm thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính vì thế, áp lực tăng giá của đồng USD là hiện hữu.
Tỷ giá VND/USD chỉ biến động 2% trong năm 2019
Liên quan đến thị trường tỷ giá, chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019 chủ đề "Để ngân hàng Việt vươn xa" tổ chức sáng nay, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đã cho biết cơ quan quản lý sẽ tiếp tục kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ và can thiệt thị trường ngoại tệ bất cứ khi nào cần thiết để ổn định thị trường.
"Năm 2018, hầu hết đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng USD, một số nước phải giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp. Tuy nhiên, tỷ giá trong nước diễn biến khá ổn định và chỉ tăng khoảng 2,2-2,3%", Phó thống đốc cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định năm 2019 này NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, và diễn biến thị trường. Đặc biệt, NHNN cũng sẽ và có đầy đủ biện pháp, công cụ để can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay, điểm sáng nhất của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ "thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn, phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ nhuần nhuyễn hơn.
Riêng với diễn biến tỷ giá năm 2019, theo ông áp lực vẫn lớn.“Năm nay áp lực tỷ giá vẫn lớn, có vẻ có xu hướng tăng khi cuộc chiến tiền tệ chưa tới hồi kết, địa chính trị như Venezuala, Iran, Mỹ - Triều. Kinh tế thế giới có thể giảm tốc nhưng giá dầu vẫn tăng, đây là nghịch lý”, ông Thành nhấn mạnh.
Chuyên gia Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương
Tuy nhiên, theo ông Thành, cũng có những yếu tố tích cực hỗ trợ công tác điều hành tỷ giá trong năm nay như dự trữ ngoại tệ tăng, cán cân thanh toán quốc tế dương do dòng vốn vào Việt Nam khá tích cực. Nhìn tổng thể, lạm phát khoảng 4%, cách ứng xử của NHNN linh hoạt trong sử dụng công cụ và cách điều hành tỷ giá trung tâm và những yếu tố tích cực.
“Tôi tin rằng tỷ giá năm nay biến động có thể có một số thời điểm khác nhưng chỉ khoảng 2%. Năm ngoái tôi đã đúng, mọi người nói 3-5% nhưng tôi nói chỉ 2% và tôi đã đúng”, ông Thành chia sẻ.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cũng nhìn nhận những năm gần đây, NHNN đã linh hoạt và điều chỉnh thay vì giữ tỷ giá cố định như trước đây. Điều này tạo cho thị trường niềm tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.