Giá vàng bao giờ quay lại đỉnh 49 triệu đồng/lượng? (ảnh IT)
Trao đổi với Dân Việt, ông Đinh Nho Bảng - Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, giá vàng quốc tế trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua đã tăng mạnh, có lúc lên trên 1.350 USD/oz trong khi giá vàng trong nước lại không tăng mạnh theo giá vàng thế giới.
“Hiện tại, Việt Nam không cho xuất, nhập vàng nên thị trường vàng nước ta hầu như tách rời hoàn toàn khỏi vàng thế giới. Do đó, dù giá vàng thế giới tăng mạnh, vàng trong nước cũng không tăng mạnh theo nhưng thực tế, giá vàng trong nước vẫn còn ở mức cao hơn giá vàng thế giới do trước đó, khoảng cách giữa vàng Việt Nam và vàng thế giới là rất lớn”, ông Bảng nói..
Ông Đinh Nho Bảng cho rằng, người dân hiện không còn đổ xô đi mua vàng tích trữ như trước đây nữa (ảnh IT)
Nhận định về xu hướng của giá vàng trong thời gian tới, ông Đinh Nho Bảng cho rằng, người dân hiện không còn đổ xô đi mua vàng tích trữ như trước đây nữa. Trong khi, việc giá vàng thế giới tăng mạnh chủ yếu là do căng thẳng Triều Tiên, còn kinh tế thế giới ngoài Mỹ có gặp đôi chút khó khăn thì cơ bản các nước trên thế giới đang có kinh tế rất ổn định. “Tất nhiên, nếu Triệu Tiên tiếp tục căng thẳng thì giá vàng vẫn có thể tăng tiếp vì người dân sẽ ít đầu tư vào ngoại tệ hay các kênh đầu tư chứng khoán, tiền ảo...Khi chính trị bất ổn vàng luôn là nơi trú ẩn của những người có tiền mặt”, ông Bảng nhận định.
Theo ông Bảng, dù căng thẳng chính trị không thể nói trước được nhưng có thể dự đoán, ông Trump vẫn phải dè chừng vũ khí của Triều Tiên còn Triều Tiên thì cũng chỉ “dọa” chứ không dám "khai mào" trước nên việc xảy ra chiến tranh là rất khó. Chủ yếu, các nước vẫn chỉ ở trong tình trạng "dọa nhau" là chính. Do đó, ông Bảng cho rằng, giá vàng vẫn có thể tăng trong thời gian tới nhưng để quay lại thời đỉnh điểm của năm 2011 là 49 triệu đồng/lượng là rất khó khả thi.
Theo ghi nhận trên thị trường thế giới vào 9 giờ sáng hôm nay (12.9), giá vàng thế giới giao dịch tại mốc 1325,98 USD/oz, giảm 10 USD so với chốt phiên giao dịch của ngày 11.9 và giảm tới hơn 25 USD so với mức đỉnh thiết lập được trong tuần trước. Quy đổi giá vàng thế giới hiện tương đương 36,36 triệu đồng/lượng, vẫn thấp hơn giá vàng trong nước khoảng hơn 400.000 đồng/lượng. Nếu so với thời đỉnh điểm, giá vàng thế giới còn thấp hơn giá vàng trong nước hơn 5 triệu đồng/lượng. |
Nhìn lại khoảng thời gian lập đỉnh của giá vàng là năm 2011 cho thấy, giá vàng đã lập đỉnh một cách nhẹ nhàng từ mức giá cũng tương tự như năm 2017. Cụ thể, các tháng đầu năm 2017, giá vàng có lúc cũng xuống mốc áp sát 36 triệu đồng/lượng và ngày giao dịch đầu tiên của năm 2011 là ngày 4.1, giá vàng cũng chỉ giao dịch ở mốc 36,1 triệu đồng/lượng.
Tới ngày 9.2.2011, giá vàng đã phá vỡ đỉnh của năm 2010 khi tăng lên 38,5 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm này, tuy giá vàng tăng mạnh nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua vàng vào. Chính vì thế, tính đến ngày 19.7, khi được hỗ trợ từ giá vàng thế giới, vàng trong nước đã tăng lên 39,9 triệu đồng/lượng, mức giá trước đó không ai dám nghĩ tới.
Không dừng lại ở đó “cơn điên loạn” của giá vàng cũng được xác lập vào ngày 9.8 khi trong ngày giá vàng thay đổi giá tăng lên, giảm xuống tới gần 50 lần. Cũng chính trong tháng 8, giá vàng đã được xác lập định 49 triệu đồng/lượng vào ngày 22.8 nhưng không trụ được lâu, vàng trong nước đã quay đầu giảm xuống còn 46 triệu đồng/lượng vào ngày 25.8. Sau đó, giá vàng tiếp tục tăng lên 47 triệu đồng/lượng vào ngày 20.9 nhưng đó cũng là lần cuối hồi phục lại mức giá cao để rồi giảm mạnh, có những thời điểm xuống đáy là mức 34- 35 triệu đồng/lượng.
Nhiều nhà đầu tư vẫn “mơ” về một ngày giá vàng lại “điên loạn” để quay lại đỉnh như năm 2011 (ảnh IT)
Như vậy, từ năm 2011 đến nay, giá vàng chỉ giao động ở biên độ hẹp dưới 40 triệu đồng/lượng nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn “mơ” về một ngày giá vàng lại “điên loạn” để quay lại đỉnh như năm 2011. Kể cả các chuyên gia cũng không thể khẳng định liệu giá vàng có quay lại đỉnh khi nào, trong năm 2018 hay có thể ngay những tháng cuối của năm nay?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.