Giá vàng SJC liên tục giảm sâu sau phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 15/06/2022 09:04 AM (GMT+7)
Sau phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước giá vàng SJC liên tục giảm sâu, mất gần 2,5 triệu đồng/lượng, rút ngắn chênh lệch với giá vàng thế giới.
Bình luận 0

Giá vàng SJC liên tục giảm sâu sau phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước

Giá vàng SJC liên tục giảm sâu sau phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Giá vàng SJC liên tục giảm sâu sau phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: DV

Trong phiên giao dịch hôm 13/6, giá vàng trong nước lao dốc mạnh. So với phiên giao dịch trước đó, giá vàng miếng SJC đã mất tới 1 triệu đồng/lượng, mất mốc 69 triệu đồng/lượng (mua vào), về mốc 67 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đến hôm 14/6, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh. Giá vàng 9999 của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đã giảm về mốc 66 triệu đồng/lượng (mua vào).

Lúc 9 giờ ngày 14/6, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 67,5 triệu đồng/lượng, bán ra 68,3 triệu đồng/lượng, giảm thêm 350.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày 13/6.

Tới 9h50 ngày 14/6, giá vàng 9999 tại Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC giao dịch ở mức 67,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,32 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn Công ty vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng 9999 ở mức 66,90 - 67,8triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Đến thời điểm 8h30 hôm nay (15/6), giá vàng được giao dịch như sau:

Giá vàng SJC liên tục giảm sâu sau phiên chất vấn Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 2.

Giá vàng được cập nhật lúc: 08h30 ngày 15/6/2022.

Như vậy, tổng mức giảm của giá vàng miếng SJC trong 2 ngày qua là khoảng 1,1 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng đã giảm từ mức cao nhất một tháng qua ghi nhận trong phiên trước đó (13/6) khi số liệu lạm phát của Mỹ đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này tăng và làm giảm nhu cầu đối với vàng.

Hiện giá vàng thế giới đang ở mức 1.815,6 USD/ounce (lúc 8h30), giảm 39 USD/ounce so với cùng thời điểm của phiên giao dịch trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 51,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế phí), thấp hơn vàng trong nước khoảng 17,2 triệu đồng/lượng.

Trước đó, tại phiên chất vấn chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đã đặt câu hỏi về diễn biến không bình thường của giá vàng SJC nhất là đầu năm 2022, khi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới có lúc trên 20 triệu đồng/lượng.

Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước tiến hành tranh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động hay chưa? Liệu có trường hợp bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hay không? Bao giờ ngân hàng nhà nước sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng?

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề giá vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp.

Ở Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, nhưng tốc độ điều chỉnh giảm xuống thì chậm hơn giá vàng thế giới. Theo thống kê, giá vàng của các nhãn thương hiệu, không phải SJC về cơ bản chỉ chênh với thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, nhưng SJC ở mức lớn, lên tới 16 – 17 triệu đồng/lượng.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, từ chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế, năm 2012 thực hiện Nghị định 24, do đó từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về sản xuất vàng miếng. Vì vậy, nguồn cung vàng miếng trong nước giảm đi vì một phần chuyển sang sản xuất vàng trang sức mĩ nghệ.

Bên cạnh đó, với những biến động vàng thế giới như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lo ngại rủi ro, vì vậy niêm yết giá bán cao. Với vàng SJC là thương hiệu người dân ưa chuộng hơn cả nên họ niêm yết cao. Giá vàng mua và bán các tổ chức thì về cơ bản chênh 1 – 1,5 triệu đồng/lượng.

Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.



Theo chia sẻ của lãnh đạo một nhà băng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với chủ trương chống vàng hóa. Bởi tại thời điểm đó, thị trường vàng gây rất nhiều hệ lụy, bất ổn kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.

Đáng chú ý, tại Nghị định này có quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. SCJ là thương hiệu vàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn.

"Bản chất là thương hiệu vàng miếng SJC đã thuộc về Nhà nước. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Công ty không được phép tự sản xuất vàng miếng SJC", vị này cho hay.

Thực tế là đã 10 năm nay Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng và cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Chính sách này đã góp phần vào kết quả Việt Nam có nguồn ngoại tệ dồi dào do xuất siêu và thặng dư thương mại ở mức kỷ lục, dự trữ ngoại hối đã vượt con số 100 tỷ USD.

Cũng theo vị này, thị trường đang lưu hành 1 lượng khá hữu hạn vàng miếng SJC, thực chất chỉ là hoạt động mua bán lại của những người đang giữ vàng miếng SJC được sản xuất từ thời gian trước. Bên cạnh đó, giá vàng miếng thương hiệu SJC dường như không liên quan gì đến giá vàng thế giới và các thương hiệu vàng còn lại ở trong nước, kể cả với vàng nhẫn của chính SJC.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem