Già Vinh mở “lớp học làm người”

Lê San Thứ tư, ngày 14/01/2015 14:36 PM (GMT+7)
Sau hơn 50 năm hạ sơn, cuộc sống người Dao ở thôn Bản Cuôn II, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã có nhiều thay đổi. 73 hộ dân trong bản không còn thiếu đói, phải ăn rau, ngô, sắn độn cơm như ngày trước nữa. 
Bình luận 0

Thế nhưng, cùng với sự phát triển về mặt kinh tế, lớp thanh niên trong thôn không còn quan tâm nhiều đến việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình. “Kinh tế càng phát triển, số người biết chữ dân tộc mình ngày càng ít đi, tiếng nói không được sử dụng thường xuyên như trước. Tôi muốn con cháu ngoài tiếp nhận những tiến bộ văn hoá mới cùng cần lưu giữ và phát huy được nét văn hoá truyền thống của dân tộc” - già Triệu Tiến Vinh ở Bản Cuôn II tâm sự.

img
Già Triệu Tiến Vinh (trái) trao đổi về giữ gìn bản sắc văn hoá với học viên. 
Nói là làm, năm 2011, già lên thẳng huyện đề nghị được mở lớp dạy chữ Nôm Dao và tiếng Dao. Huyện đã nhiệt liệt ủng hộ và giới thiệu cho một vài nhà tài trợ khác. “Năm đó, tôi được hỗ trợ tổng cộng 51 triệu đồng, đủ để thuê thầy giáo và mở lớp 9 tháng liền. Các học viên không phải mất một đồng học phí nào” - già Vinh kể.

 

Để tiện cho những người tha thiết với chữ viết Nôm Dao đến học, già còn lấy tiền nhà, vay mượn của anh em, bè bạn làm ngôi nhà hết 300 triệu đồng để lo chỗ nghỉ, chỗ ăn cho học sinh ở xa đến. Lớp học ban đầu có 19 học sinh, chủ yếu là các em không có điều kiện, đã thôi học ở các trường phổ thông. Già Vinh dùng số tiền được tài trợ để thuê hai thầy giáo là những người am hiểu chữ Nôm Dao trong thôn, và hỗ trợ cho phí cho các học sinh ăn học. Từ năm 2011, mỗi năm lớp học của thầy Vinh lại mở cửa giảng dạy liên tục trong 6 tháng.

Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy ngày càng thu hút được nhiều học sinh ở các địa phương khác như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên về theo học. Triệu Tiến Nguyên là học sinh hiếu học nhất trong số những học sinh theo học, cho hay: “Già Vinh tốt lắm. Thấy em hoàn cảnh khó khăn, thầy còn cho giới thiệu em đến làm công nhân ở công ty gần bản. Ban ngày đi làm, ban đêm em lại đến nhà thầy để nhờ thầy dạy chữ. Qua học chữ mà biết những phong tục, tập quán của người Dao mình”.

“Học chữ Nôm Dao để hiểu về nhân nghĩa, mọi người biết giữ chừng mực, hòa khí, thấu hiểu triết lý đời sống, khi đó người ta sẽ tự giác không phạm đến các tệ nạn xã hội. Người học chữ Dao tốt, sẽ tự mình nhận biết lẽ sống, có lòng hiếu thảo với cha mẹ và nhân đạo với mọi người” – già Triệu Tiến Vinh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem