Ồ ạt xả Quỹ bình ổn
Từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít (tăng 700 đồng so với trước). Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.
Thuế tăng thì tác động ngay đến giá xăng. Nhưng tại kỳ điều hành ngày 1/1/2019, giá xăng E5RON92 lại giảm. Một lãnh đạo của PVOil thấy băn khoăn. Vị này thắc mắc: Tăng thuế bảo vệ môi trường đáng nhẽ phải tăng giá bán lẻ bù vào thì nhà nước lại điều chỉnh giảm giá bán lẻ, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Liên tiếp nhiều kỳ sau đó, giá xăng dầu được giữ nguyên.
Ngày 16/1, giá xăng thế giới tăng hơn 5 USD/thùng, nhưng giá xăng dầu trong nước tiếp tục giữ nguyên bằng cách xả Quỹ bình ổn giá gần 1.500 đồng/lít xăng E5, xăng RON95 được chi 645 đồng/lít,...
Ngày 31/1, giá xăng tiếp tục được giữ nguyên bằng cách chi Quỹ bình ổn giá với xăng E5 lên đến gần 1.700 đồng/lít, RON 95 là hơn 800 đồng/lít, dầu diesel lên 1.003 đồng/lít,...
Điều này là dễ hiểu, vì đó là thời gian cận Tết, cơ quan quản lý tránh tạo ra tác động tăng giá lên mặt hàng khác.
Nhưng sau Tết, giá xăng dầu bước vào chu kỳ tăng mạnh, cùng với sức ép tăng thuế từ 1/1/2019 đã khiến việc kiềm chế giá xăng dầu ngày càng khó. Nhưng Bộ Công Thương vẫn làm được “điều rất khó” ấy.
Ngày 15/2, nhiều tính toán cho thấy giá xăng dầu phải tăng do giá thế giới tăng gần 2 USD/thùng. Nhưng liên Bộ tiếp tục giữ nguyên giá. Quỹ bình ổn giá lại được chi “khủng” với mức gần 2.000 đồng/lít xăng E5, và hơn 1.000 đồng/lít với các loại xăng, dầu khác.
Đến ngày 2/3 giá xăng dầu không chịu được nữa đã phải tăng gần 1.000 đồng/lít, cho dù mức chi Quỹ bình ổn giá với xăng E5RON92 vẫn lên tới 2.000 đồng/lít, xăng RON95 1.250 đồng/lít,...
Đỉnh điểm là ngày 18/3, khi ai cũng nghĩ giá xăng phải tăng rất mạnh, thì liên Bộ vẫn giữ nguyên giá xăng dầu. Đồng thời, mức chi Quỹ bình ổn giá lên mức kỷ lục chưa từng có là 2.800 đồng/lít xăng E5, Xăng RON95 là 2.061 đồng/lít. Một lý do là “nhường” cho giá điện tăng vào 20/3.
Gần như ngay sau đó đã xuất hiện biển tạm ngừng bán xăng RON 95 ở một số cây xăng. Chia sẻ với PV.VietNamNet khi ấy, nhiều doanh nghiệp than lỗ do từ đầu năm đến nay chỉ được tăng giá một lần cho dù giá thế giới trên đà tăng cao.
Bộ Tài Chính quy định các doanh nghiệp đầu mối phải mở riêng một tài khoản cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở ngân hàng và theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
Số tài khoản đó DN phải thông báo cho Bộ Tài chính, còn ngân hàng hàng quý báo cho Bộ số tiền trích lập quỹ của DN. DN không được phép sử dụng quỹ này khi chưa có thông báo chi sử dụng quỹ của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Như vậy, khi quỹ dương DN cũng không được lợi gì ở quỹ, ngược lại khi quỹ âm thì DN tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng bù vào mức được xả quỹ (vay ngân hàng hoặc vốn DN).
|
Cơ quan điều hành cho rằng đây là lúc doanh nghiệp "phải chia sẻ", tạm thời phải chấp nhận chịu lỗ để dành mục tiêu cao hơn là “kiểm soát lạm phát” và để tăng giá điện.
Đến ngày 2/4 vừa qua, giá xăng dầu không kiềm chế được nữa đã phải tăng với mức gần 1.500 đồng/lít. Dù vậy, liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn phải chi quỹ bình ổn giá từ 1.300-2.000 đồng/lít xăng.
Với diễn biến giá xăng thế giới chưa dừng tăng, quỹ bình ổn đã cạn thì kỳ tới nguy cơ giá xăng dầu sẽ có đột biến.
Sau thời gian dài xả Quỹ bình ổn giá, PVOil đã âm hơn 400 tỷ đồng tiền trong quỹ, còn Petrolimex trước kỳ tăng giá ngày 2/4 chỉ còn vỏn vẹn gần 10 tỷ đồng - con số cực kỳ thấp. Với việc tiếp tục phải xả quỹ theo quyết định ngày 2/4 thì các DN sẽ bị âm tiền quỹ.
Liên tục xả quỹ có hợp lý?
Liên tục xả quỹ bình ổn giá ở mức kỷ lục để kiềm chế mức tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhưng CPI tháng 3 được Tổng cục Thống kê công bố lại âm 0,21%. Phải chăng công tác dự báo, điều hành có vấn đề và cơ quan quản lý đã quá lo xa?
Trả lời PV ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, giải thích: Chính Tổng cục Thống kê khuyến nghị không điều chỉnh giá xăng dầu. Vì nếu 18/3 điều chỉnh giá xăng, 20/3 điều chỉnh giá điện thì gây lạm phát kỳ vọng, gây hoang mang cho người dân.
“Giả sử tăng giá xăng ngày 18/3 nữa thì CPI của tháng 3 vẫn âm, từ 0,1-0,2%. Kịch bản của Tổng cục Thống kê là hoàn toàn chủ động”, ông Lâm nói.
Còn việc xả quỹ để giữ giá xăng, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, khẳng định đó không phải “sự can thiệp quá sâu vào thị trường” mà là “biện pháp kinh tế để điều hành giá cả thị trường”. Bởi nguyên tắc của ta là nhà nước điều hành theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhận xét: Cách điều hành như vậy khiến giá xăng dầu không đúng giá thật, không đúng giá thị trường, mang tính hành chính can thiệp vào kinh doanh của DN.
Đại diện Hiệp hội này lo ngại cách điều hành như vậy có thể làm cho “hệ thống xăng dầu tiêu cực”, có lợi ích nhóm trong hệ thống DN xăng dầu.
Không hài lòng với các quyết định liên quan đến giá xăng dầu vừa qua, một chuyên gia từng trải qua nhiều năm điều hành giá xăng dầu cho biết, việc điều hành giá xăng dầu là cả một nghệ thuật, vừa để quỹ không được âm, vừa phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát của Nhà nước, vừa hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và DN.
“Muốn như vậy thì người điều hành giá xăng dầu cần có chuyên môn sâu, tầm nhìn xa và chiến lược. Điều hành kiểu ăn đong từng kỳ ngắn hạn thì giật cục ngay thôi, đến như phát biểu về Quỹ bình ổn còn không hiểu thì làm sao mà điều hành được”, vị này chia sẻ.
Lương Bằng (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.