Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 08/03/2023 08:26 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 8/3: Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay, với dầu thô Brent đã tụt về mức 83 USD/thùng, vì các nhà đầu tư lo ngại về những đợt tăng lãi suất mạnh hơn từ Fed.
Lo ngại Fed sẽ tăng mạnh lãi suất, chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế để hạ nhiệt lạm phát khiến giá dầu hôm nay sụt giảm mạnh, trong đó dầu Brent đã tụt về mức 83 USD/thùng.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 8/3 (8h05 theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 77,628 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 83,217 USD/thùng.
Trước đó, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/3/2023, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2023 đứng ở mức 77,35 USD/thùng, giảm 0,37 USD trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 7/3, giá dầu WTI giao tháng 5/2021 đã giảm tới 3,22 USD/thùng.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 5/2023 đứng ở mức 82,88 USD/thùng, giảm 0,41 USD trong phiên và đã giảm tới 3,3 USD so với cùng thời điểm ngày 7/3.
Giá dầu hôm nay sụt giảm mạnh do lo ngại khả năng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất và duy trì mặt bằng lãi suất ở mức cao hơn dự kiến nhằm hạ nhiệt lạm phát.
Cụ thể, phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 7/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn dự kiến để phù hợp với những dữ liệu mạnh mẽ gần đây của nền kinh tế.
Chủ tịch Fed cũng cho biết có thể sẽ áp dụng thêm những biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát lạm phát.
Sau phát biểu trên, giới phân tích nhận định Fed có thể sẽ có động thái tăng lãi suất thêm 50, thậm chí 75 điểm phần trăm trong lần tăng lãi xuất tiếp theo sau đợt tăng lãi suất vào cuối tháng 3/2023.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do đồng USD phục hồi và dữ liệu về nhu cầu dầu của Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng. Theo dữ liệu được công bố, nhập khẩu dầu thô trong tháng 1 và 2/2023 của Trung Quốc đã giảm 1,3% so với cùng kỳ 2022, xuống còn 10,4 triệu thùng/ngày.
Hoạt động sản xuất của Mỹ cũng xuất hiện dấu hiệu tiêu cực. Theo một báo cáo được phát đi tuần trước, số đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ đã giảm mạnh 4,5%, cao hơn mức dự báo trong tháng 1/2022, và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Còn theo một báo cáo được công bố ngày 6/3, số đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất cũng giảm trong tháng 1.
Lo ngại về một đợt tăng lãi suất mới từ các ngân hàng trung ương sau các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ khiến kinh tế toàn cầu sớm rơi vào suy thoái và suy thoái với mức độ trầm trọng hơn cũng là yếu tố khiến giá dầu ngày 8/3 lao dốc.
Trước đó, phiên 7/3, giá dầu thế giới giảm sau khi bình luận của Chủ tịch Fed làm dấy lên lo ngại về việc lãi suất sẽ lên cao hơn và tạo thêm sức ép lên nhu cầu năng lượng.
Chủ tịch Fed nói rằng Fed có thể cần tăng lãi suất lên cao hơn dự kiến do các số liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây. Phát biểu đó đã đẩy hầu hết các loại hàng hóa và thị trường tài chính xuống thấp hơn.
Ngược lại, nhận xét trên đã thúc đẩy Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong ba tháng. Điều này gây áp lực lên giá dầu - loại hàng hóa vốn được định giá bằng đồng USD và khiến nó trở nên đắt hơn đối với người mua thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.
Tăng thêm áp lực cho giá dầu là thông tin hoạt động xuất- nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm trong tháng 1 và tháng 2, bất chấp việc nước này đã dỡ bỏ các hạn chế phòng Covid-19.
Nhu cầu năng lượng của Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục suy yếu do tình trạng lạm phát cao, kéo theo nhu cầu chế biến dầu ở Trung Quốc cũng đi xuống.
Dù vậy, giá dầu vẫn được hỗ trợ phần nào bởi các dự báo về nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu cao hơn trong năm 2023.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của họ rằng sản lượng và nhu cầu dầu thô của Mỹ đều sẽ tăng vào năm 2023, do du lịch Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng.
Trong khi đó, yếu tố chủ chốt dễ biến động cho năm 2023 sẽ là sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm tinh chế của Nga.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/3, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/3.
Theo đó, tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diêzen ở mức 500 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 0 đồng/kg (như kỳ trước). Đồng thời, không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 8/3 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 22.421 đồng/lít (giảm 121 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 904 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 23.325 đồng/lít (giảm 118 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 20.255 đồng/lít (giảm 551 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 20.474 đồng/lít (giảm 372 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.555 đồng/kg (tăng 304 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/02/2023-01/3/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Báo cáo gần đây cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến, song triển vọng sản lượng của Nga thấp hơn đã giúp bù đắp và hỗ trợ giá dầu; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 tăng cao hơn dự báo làm tăng thêm lo ngại về việc Fed sẽ phải tiếp tục tiến trình nâng lãi suất; nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đang phục hồi sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm, riêng mặt hàng dầu mazut tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/02/2023 và kỳ điều hành ngày 01/3/2023 là: 94.182 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 2,671 USD/thùng, tương đương giảm 2,76% so với kỳ trước); 97.928 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 2.349 USD/thùng, tương đương giảm 2,34% so với kỳ trước); 102,510 USD/thùng dầu hỏa (giảm 3.442 USD/thùng, tương đương giảm 3,25% so với kỳ trước); 99.950 USD/thùng dầu điêzen (giảm 3.168 USD/thùng, tương đương giảm 3,07% so với kỳ trước); 424,492 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 9,617 USD/tấn, tương đương tăng 2,32% so với kỳ trước).
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; tạo dư địa Quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn nhiều bất ổn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Trước đó, quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí, bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu; Bộ Tài Chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Được biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu trong tháng 2/2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu. Giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua. Việc gửi báo cáo này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương “không được để chậm trễ”.
Tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, hai Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có những báo cáo cụ thể về việc điều hành giá xăng dầu và tình hình thị trường thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vẫn khẳng định việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại nghị định 83, nghị định 95, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Hiện Bộ cũng đang tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và trình Thủ tướng. Trong đó, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và nâng lên 30 ngày cho giai đoạn sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.