Gói kích thích, cứu trợ kinh tế chưa từng có trong lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD của Mỹ và những diễn biến mới tích cực hơn về Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến cho thị trường dầu có vài phiên khởi sắc. Tuy nhiên, trong khi Covid-19 vẫn gia tăng mạnh tại các quốc gia trên toàn thế giới cùng lượng cung dầu có khả năng bùng nổ vào tháng tư tới đã khiến cho giá dầu tuần qua tiếp tục xu hướng lao dốc mạnh.
Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại nhiều quốc gia, làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế đã làm sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô. Ở phía cung, trong khi nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh thì cuộc chiến dầu khí giữa Nga và Saudi Arabia lại nổ ra với khả năng nguồn cung dầu trên thị trường sẽ lên mức kỷ lục.
Thứ nữa, để những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế phát huy được hiệu quả thì phải cần thời gian, và như vậy kỳ vọng nhu cầu dầu trên thị trường sẽ còn rất lâu nữa mới diễn ra, trong khi nguồn cung dầu có khả năng sẽ tăng mạnh sau mốc thời gian 1/4.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 23/3, giá dầu đã lao dốc mạnh.
Giá dầu có 3 phiên hồi phục vào giữa tuần nhưng đà tăng nhanh chóng bị dập tắt.
IHS Markit ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm hơn 14 triệu thùng/ngày trong quý II, khiến lượng dầu dự trữ tăng mạnh chưa từng có trước đây. Công ty JBC Energy ở Vienna còn dự đoán nhu cầu dầu của thế giới thậm chí sẽ giảm 15,3 triệu thùng/ngày trong quý II, từ đó có thể đẩy giá dầu xuống mức khoảng 10 USD/thùng.
Những lo ngại về nguồn cung bùng bổ khi ngày 1/4 cận kề khiến chốt phiên giao dịch cuối tuần trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 đứng ở mức 21,84 USD/thùng, giảm 0,76 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2020 đứng ở mức 24,95 USD/thùng, giảm 1,36 USD/thùng trong phiên và giảm tới 1,76 USD so với cùng thời điểm ngày 26/3.
Do nhu cầu dầu thấp và nguồn cung dư thừa đang tăng trên toàn cầu, giá dầu và khí tự nhiên dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong suốt năm 2020, cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.
Nhu cầu dầu yếu kém liên quan đến Covid-19 trên thế giới, cùng với các nước sản xuất dầu OPEC không cắt giảm thêm sản lượng, đã gây ra biến động mạnh về giá dầu, theo Moody.
Cơ quan xếp hạng cho biết họ dự kiến giá dầu sẽ vẫn yếu ớt suốt năm 2020 trước khi thị trường dầu toàn cầu bắt đầu tự cân bằng lại khi nguồn cung dầu bắt đầu giảm. Moody cho rằng có sự không chắc chắn cao về tốc độ phục hồi nhu cầu và cảnh báo rằng giá dầu có thể vẫn còn yếu ớt trong năm 2021.
Giá dầu có thêm một tuần giảm mạnh
Tại thị trường trong nước, ngày 29/3, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 16.056 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 16.812 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 13.035 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 11.846 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 10.501 đồng/kg.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.